Sắc màu từ hoa lửa

Từ năm tháng trường kỳ của dân tộc, nhiều họa sĩ để lại gia tài là tác phẩm hội họa kháng chiến. Sắc màu của hiện thực năm tháng ấy nhắc về một thời gian lao mà anh dũng.

Ký họa - nghệ thuật nơi chiến trường

Ký họa kháng chiến là một thể loại đặc biệt được ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang trải qua cuộc chiến tranh Vệ quốc, xuất phát từ việc ghi nhận những nhân vật, sự kiện và những đối tượng liên quan ở chiến trường trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, Đề cương Văn hóa năm 1943, Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp đã làm thay đổi cơ bản nhận thức và giá trị tư tưởng của nền nghệ thuật hội họa Việt Nam. Thể loại ký họa được các họa sĩ lựa chọn bởi không những chiếm nhiều ưu thế trong hình thức ghi nhận và thể hiện, mà còn đáp ứng hữu hiệu nhất những yêu cầu trong sự thiếu thốn về họa cụ, điều kiện di chuyển, bảo quản và cất giữ trong chiến tranh.

Ký họa kháng chiến miền Nam đã hình thành, phát triển và đóng vai trò chủ lực đối với mỹ thuật miền Nam trong thực tế ác liệt của chiến tranh. Phòng Hội họa Giải phóng (B11), tiền thân của Hội Mỹ thuật TPHCM ngày nay, là chỗ tạm nghỉ ngơi trên chiến trường, nơi để chiến sĩ - nghệ sĩ vừa chiến đấu vừa sáng tác. Người chiến sĩ - nghệ sĩ góp nhặt những gì có sẵn, tổ chức các cuộc triển lãm bên chiến hào - một ý tưởng để động viên tinh thần đồng đội ngoài mặt trận.

minhhoa.jpg
Ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông: Lớp học vẽ do Phòng Hội họa Giải phóng tổ chức

Trong cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông (Nhà xuất bản Mỹ thuật, năm 2022) ghi lại những chia sẻ từ cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông: “Những hình ảnh cùng chiến đấu chung một chiến hào của các họa sĩ và anh em công nhân nhà in sẽ mãi mãi khắc sâu vào chúng tôi. Một công việc quan trọng nữa mà Phòng Hội họa Giải phóng đã làm được là giữ hàng vạn ký họa, phác thảo không bị bom đạn phá hủy. Khi những cựu chiến binh Mỹ nghe chúng tôi kể đã dùng các thùng đạn đại liên mà họ vứt rải rác ở chiến trường làm thùng đựng tranh, rồi chôn vào gò mối vốn thường an toàn trong các cuộc ném bom biến rừng xanh thành trảng lửa, họ hết sức thán phục”.

Quân số B11 khoảng 30 người nhưng ít khi có mặt đông đủ vì luân phiên đi thực tế. Đi thực tế dần dần trở thành nhiệm vụ chính của các họa sĩ. Sau khi đi thực tế, các họa sĩ thường ở lại tại phòng để thể hiện thành tranh… B11 có đủ già, trẻ, nam, nữ, nhưng đông nhất là thanh niên. Việc đầu tiên là xây dựng căn cứ, đào hầm tránh bom pháo. Từ khi giặc Mỹ dùng pháo đài bay B52 và pháo bắn cực nhanh thì hầm núp phải gia cố và các nguyên tắc bảo vệ được thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở.

Từ trong hoa lửa có màu thanh xuân

Trưởng thành từ lớp học tại chức của Phòng Hội họa Giải phóng trong những năm tháng hoa lửa ấy, họa sĩ Phan Hữu Thiện (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM) vẫn không quên: “Các chú, các bác ở phòng luôn chăm sóc bọn trẻ chúng tôi về nhiều mặt, gọi đám con trai bằng cậu, con gái bằng cái, gọi vậy mà bọn tôi rất thích. Với đám thanh niên, ngoài chỉ dạy về chuyên môn, các chú còn chỉ cách nghiên cứu làm đèn dầu bằng lọ alcool, vỏ đạn… tiện mang theo người khi hành quân. Còn chú Bảy Tranh vốn học Trường Mỹ thuật Đông Dương nên có kiến thức cơ bản tuyệt vời, ngày nào rảnh chú ra rừng tìm nhặt lá cây khô, lá già tươi và lá cây non mơn mởn... có màu nâu đỏ trong suốt, xếp đặt lại với nhau rồi dùng màu nước vẽ nghiên cứu”.

Và nơi chiến hào của tháng ngày hoa lửa năm ấy, trong sắc màu thanh xuân của người chiến sĩ - họa sĩ nơi chiến trường, khắc ghi cả cái chết của đồng đội chỉ trong gang tấc. Trong một trận bom B52 của địch vào năm 1972, hai người đồng đội 12, 13 tuổi đời đã gửi tuổi xuân vĩnh viễn vào lòng đất mẹ, họa sĩ Phan Hữu Thiện nặng lòng: “Qua một đợt bom đầu tiên, tôi mới vô được công sự, đến hết đợt hai, tôi nhảy lên công sự… Trời ơi! Nguyên khu rừng rậm âm u giờ không còn cây cối gì hết, cây ngã đổ lẫn đất cát từ những hố bom, mùi khói của thuốc nổ pha trộn mùi nhựa cây, cảnh vật hoang tàn… Em chết tại chỗ là em Thúy, em Thu (chị của Thúy bị gãy chân), em Đa cũng bị thương nặng phải truyền máu nhưng sau cũng không qua khỏi”…

Chiến tranh luôn đi cùng mất mát, một cái cúi đầu hay lời cảm ơn không thể nào kể xiết năm tháng đã qua, nét ký họa hay sắc màu nơi chiến trường năm ấy cũng không thể ôm trọn tất cả con người, câu chuyện của cuộc chiến tranh Vệ quốc… Xin trân trọng những tháng ngày gian lao, những đường nét, màu sắc bước ra từ trong hoa lửa nhọc nhằn để thế hệ hôm nay, mai sau tự hào non sông thống nhất, để triệu triệu người cùng tô vẽ cho dáng hình gấm hoa đất nước mình.

Tin cùng chuyên mục