Có một miền Tây dung dị
Miền Tây dung dị (NXB Tổng hợp) là tuyển tập 27 bài phóng sự của nhà báo Dương Út, tái hiện bức chân dung sinh động của những con người đến từ miền sông nước. Đó là ông Mohamad (An Giang) quyết tâm giữ nghề truyền thống của gia đình, dù làng nghề dệt thổ cẩm đã dần mai một; là ông Nguyễn Văn Thuận (Đồng Tháp) miệt mài lái chiếc tắc ráng chuyển bệnh nhân từ “ốc đảo” vượt sông Tiền đưa vào đất liền cấp cứu, chỉ với tâm niệm “không thể thấy bệnh nhân chết trong đau đớn”… Cuốn sách còn khắc họa thêm những người dân ở miền Tây bắt nhịp với thời cơ và vận hội mới, như anh Ngô Hùng Thắng, chủ nhân của sáng kiến hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh Smart Viet HT-8917, được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2019...
Là tác giả của 4 tập thơ, gần đây nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều gây bất ngờ khi ra mắt 2 tập tản văn Những làn khói tỏa hương (NXB Tổng hợp) và Những triền sông đầy gió (NXB Quân đội nhân dân). Được viết từ một người làm thơ nên tản văn của Huỳnh Thúy Kiều nhẹ nhàng, giàu hình ảnh và cảm xúc. Ở đó, những món ăn dân dã của miệt thứ như đang được bày biện trên mâm đầy sinh động và mời gọi. Tản văn của Huỳnh Thúy Kiều còn là những trăn trở cho quê nhà ở hiện tại, khi những dòng sông lớn nhỏ ở miền Tây đều “khát”…
Dành nguyên một tập sách để viết về ẩm thực là tập tùy bút Ngược xuôi bến khoái (NXB Tổng hợp) của tác giả Tạ Tri. Cuốn sách được chia làm 2 phần: Khoái đất Phú - trời An và Trà tương thủ thỉ. Trong đó, tác giả dành phần lớn để viết về ẩm thực miền Tây với những món ăn thức uống từ Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang… mà không phải ai cũng biết. Tập tản văn 250 trang Điệu buồn phương Nam (NXB Tổng hợp) của tác giả Kim Chi lại mang đến một phong vị khác hẳn. Dù vẫn là cảnh sắc, con người miền Tây nhưng lại được viết bằng giọng văn “rất tự nhiên mà duyên dáng, nhiều chỗ không kém phần lém lỉnh” như đánh giá của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh.
Có một điều đặc biệt là các tác phẩm về miền Tây được ra mắt gần đây, đa phần đều do NXB Tổng hợp ấn hành. “Tác giả của những đầu sách trên đến từ nhiều độ tuổi, đối tượng khác nhau, bên cạnh giới thiệu đến độc giả những điều quen thuộc thì có thêm điều mới mẻ từ vùng sông nước miền Tây trên các phương diện văn hóa, vùng đất, con người…”, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp, cho biết.
Những cây viết trẻ đầy hứa hẹn
Trong loạt sách về miền Tây được xuất bản gần đây, có sự tham gia của nhiều tác giả trẻ, đang được kỳ vọng là nhân tố kế thừa của văn học đồng bằng. Nổi bật trong số đó là Phát Dương (26 tuổi). Bước ra từ cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 với tập truyện ngắn Tự nhiên say (NXB Trẻ), mới đây, cùng lúc cây bút này cho ra mắt 2 tập truyện ngắn Mở mắt mà mơ (NXB Văn hóa - Văn nghệ) và Bộ móng tay màu đỏ (NXB Tổng hợp). Nhân vật trong các truyện ngắn của Phát Dương ở ngay chính trong cuộc sống đời thường với những chiều kích thời gian và không gian khác nhau. Họ bước vào trang sách, cùng giãi bày và cất lên tiếng nói thân phận của mình. Phát Dương cho thấy một khả năng tìm tòi và sáng tạo, dựa trên những chất liệu, đề tài từ cuộc sống lẫn báo chí.
Một cây bút trẻ khác là Vĩnh Thông (25 tuổi). Từ năm 16 tuổi, anh ra mắt tập thơ đầu tay; 3 năm sau, anh ra mắt tập thơ thứ hai cùng tập truyện ngắn Trở về nhà chào nhau và du khảo An Giang núi rộng sông dài. Mới đây, Vĩnh Thông ra mắt tập truyện ngắn Chạm đến tinh khôi (NXB Dân trí). Với 14 truyện ngắn, gói gọn trong hơn 150 trang sách, Vĩnh Thông cho thấy sự chắc tay của mình trong thể loại này.
Từ năm 2017 đến nay, tác giả Hoàng Khánh Duy (24 tuổi) đã sở hữu gần 10 cuốn sách, mà mới nhất là tập truyện ngắn Đời sông như đời người trên sông (NXB Dân trí) và tập tản văn Ngược chiều thiên di (NXB Tổng hợp). Khánh Duy xuất hiện hầu như liên tục trên các báo và tạp chí. Không thể phủ nhận khả năng và nội lực ở cây bút này, nhưng có lẽ điều mà Hoàng Khánh Duy cần nhất lúc này chính là sự tiết chế và kỹ lưỡng trong sáng tác.
Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn TP Cần Thơ, cho rằng, 3 tác giả trẻ Hoàng Khánh Duy, Phát Dương và Vĩnh Thông đang nổi lên như một hiện tượng ở ĐBSCL. Mỗi tác giả một xu hướng sáng tác và đều để lại dấu ấn trên văn đàn. Vĩnh Thông được biết đến từ khi còn học cấp 3 với thơ, biên khảo; trong khi Hoàng Khánh Duy chuyên truyện ngắn và tản văn với giọng văn mềm mại, dịu dàng như từng hạt phù sa đồng bằng; Phát Dương lại như một con sóng ngầm âm ỉ luôn chực chờ bùng nổ qua mỗi trang viết.