Bộ tranh này là sự kết hợp của lối vẽ chân dung mang hơi hướng bán cổ điển, kỹ thuật biểu hiện và tinh thần lãng mạn. Dù cho Phan Như Lâm có mời mẫu Việt để nghiên cứu tạo hình cho một số tác phẩm, nhưng giải phẫu và tạo hình nhân vật nữ lại phảng phất một chút nét Tây. Yếu tố Tây này có lẽ đến từ quan niệm về vẻ đẹp cổ điển của loại tranh chân dung mà bản thân Lâm yêu thích, hoặc từ tỉ lệ giải phẫu mà Lâm theo đuổi. Xem "Ánh sáng tình tôi" để thấy Phan Như Lâm dành nhiều ánh sáng và sự ca tụng cho các nhân vật nữ, để rồi từ họ, nhận về những ánh sáng cho chính mình.
Phụ nữ trong tranh Phan Như Lâm cũng như đa số phụ nữ trong tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ… trước đây - đang trong trạng thái điềm nhiên, thụ hưởng cuộc sống, thụ hưởng tình yêu và hạnh phúc. Nỗi buồn với họ, nếu có, cũng chỉ là nét buồn vương, buồn đài các. Dường như bao nhiêu những khó nhọc, băn khoăn thì để cánh đàn ông lo (có thể thấy ở bức “Ngư dân”), còn phụ nữ thì nên đẹp đẽ, an nhàn, nên sống trong năng lượng tích cực. Tất nhiên, đây là một ước muốn lãng mạn của Phan Như Lâm, như một cách thi vị hóa đời thực hoặc tình yêu, vì vậy mà, đó cũng là một cách tự chữa lành.
Vẽ như một cách để thể hiện mình trong cuộc sống, họa sĩ Phan Như Lâm bày tỏ: “Giống như tôi ghi lại những nét của thời đại đã sống qua những bức vẽ. Tôi ghi lại cuộc đấu tranh hằng ngày của con người thông qua niềm đam mê và vẻ đẹp, với màu sắc thú vị của những biểu cảm được thể hiện trên gương mặt, những vệt màu đắt giá được tính toán đặt để ở những vị trí tinh tế nhất, trông cứ ngỡ vô ý, mà tự nhiên nhất, khiến bạn đắm chìm trong thế giới của tôi và của bạn. Tôi mong những bức tranh của tôi mang lại cho người xem cảm nhận được vẻ đẹp từ chúng, mang lại cho người xem cảm nhận được bản thân và khoảng thời gian mà người xem thuộc về”.