Chốt phiên giao dịch rạng sáng 9-2 (theo giờ Việt Nam) tại thị trường giao dịch New York, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm điểm mạnh. Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm 4,2% điểm, tương ứng hơn 1.000 điểm, còn 23.860,46 điểm.
Chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq lần lượt giảm 3,8% điểm và 3,9% điểm, dừng ở mức 2.581 điểm và 6.777,16 điểm.
Như vậy, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đã để mất tổng cộng hơn 10% trong 2 ngày giao dịch vừa qua so với đỉnh điểm từng chinh phục.
Nhà đầu tư theo dõi bảng chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch New York, tại New York, Mỹ ngày 8-2-2018. Ảnh: REUTERS
Giới chức Nhà Trắng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự lao dốc của thị trường chứng khoán, nhưng vẫn cho rằng số liệu việc làm và lợi nhuận doanh nghiệp cao là những dấu hiệu cho thấy các nền tảng dài hạn của nền kinh tế mạnh.
Theo các nhà phân tích, khả năng tăng lãi suất trái phiếu đã tác động đến tâm lý của giới đầu tư. Hiện lãi suất trái phiếu 10 năm của Chính phủ Mỹ đã vượt mức 2,885% trong giao dịch sáng 8-2. Lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng là mối quan tâm của những nhà đầu tư đang lo ngại rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất nếu lạm phát bất ngờ tăng.
Do tác động của thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt lao dốc trong phiên mở cửa sáng 9-2.
Một người đàn ông nhìn bảng điện tử có chỉ số Nikkei Nhật Bản ở bên ngoài sở môi giới tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 6-2-2018. Ảnh: REUTERS
Tại thị trường giao dịch Tokyo, chỉ số chủ lục Nikkei đã giảm 3,19% điểm, còn 21.192,60 điểm. Tính cả tuần qua, Nikkei đã mất khoảng 8,6% điểm. Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 3,05% còn 1.711,81 điểm.
Chỉ số chứng khoán châu Á- Thái Bình Dương MSCI (không kể Nhật Bản) sáng 9-2 giảm 0,8% điểm. Đây là phiên giảm điểm liên tiếp thứ 6 của chỉ số này và mức giảm điểm trong tuần lên tới 6%.
Trong khi đó các chỉ số chứng khoán của Australia giảm 1,7% điểm, còn chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 2,3% điểm.