Liên tiếp từ năm 2014 đến nay, mỗi năm ít nhất Văn Thành Lê cho ra mắt một tác phẩm mới, có năm là 2 tác phẩm. Tập truyện ngắn Sà lan đỏ bãi xanh (NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản, ảnh) là tác phẩm thứ 2 trong năm 2018 của Văn Thành Lê, vừa ra mắt bạn đọc.
Văn Thành Lê được xếp vào danh sách những cây viết trẻ thuộc nhóm “không muốn làm người viết trẻ”. Đó là bởi một thời gian dài, khi nhắc đến người sáng tác trẻ, người ta hay quy đồng họ với những tác phẩm mang tính hướng nội, mộng mơ, cùng những tình yêu thoát ly thực tế, thậm chí một số hướng đến lối viết ngôn tình một thời là trào lưu. Nhưng nhiều tác giả trẻ khác không muốn đi theo lối mòn mà lăn lộn tìm kiếm những hướng viết mới, mạnh mẽ, chân thật và quan trọng nhất là thể hiện sức sống của tuổi trẻ. Có người viết về hiện thực trăn trở của giới trẻ, có người viết về khát vọng, cũng có người “liều lĩnh” viết lịch sử, thậm chí có cả người viết những tác phẩm mang tính triết lý về cuộc đời. Giữa cuộc tìm kiếm lối đi đó, Văn Thành Lê chọn cho mình con đường riêng, viết về hiện thực cuộc sống bằng giọng văn giễu nhại, giễu cợt cuộc sống nhưng vẫn đầy lạc quan.
Đầu năm đi chùa, truyện ngắn đầu tiên của tập Sà lan đỏ bãi xanh, có thể xem là một tác phẩm tiêu biểu cho văn chương của Văn Thành Lê. Đọc truyện ngắn này, người đọc rất dễ bị cuốn trôi một cách hỗn loạn khi cố gắng tìm bắt ý tưởng của tác giả. Mở đầu là không gian uể oải ở một công ty nhà nước sau kỳ nghỉ tết, nơi mà nhiệm vụ chính của tổ công đoàn ở đây là lên kế hoạch đi chùa đầu năm cho cơ quan. Rồi bàn đến chuyện tâm linh, người đọc lại thấy tác giả nhảy qua chuyện đất đai, kinh doanh tâm linh. Vừa kịp cho rằng truyện viết về mặt trái của kinh tế thị trường thì tác giả lại chuyển lần nữa, quay sang viết về chuyện tình cảm của nhân vật với đủ các cung bậc...
Cứ thế, người đọc có thể sẽ bối rối, không hiểu tác giả muốn nói gì qua một truyện ngắn vài chục trang mà chứa quá nhiều vấn đề của cuộc sống như vậy. Cho đến khi dứt chuyện, khi chuyến xe đi chùa đầu năm tiếp tục lăn bánh và 2 nhân vật chính đã “… xe có chạy đến chân trời góc bể nào cũng được”, người đọc mới ồ lên, té ra giữa đủ mọi hỗn loạn của cuộc sống, mọi điều tốt xấu, tình yêu lại trở thành cứu cánh của con người. Qua cách viết của tác giả, sự không hoàn thiện đó mới chính là một phần của cuộc sống. Cốt truyện không mới nhưng cách thể hiện lại đầy lạ lẫm, hài hước, chua cay, dịu dàng… Có một điều, khi đọc truyện dù là chi tiết lồng ghép, rất nhỏ, nhưng nếu đọc kỹ sẽ thấy đôi khi làm thay đổi cả câu truyện. Như ở Hoàng tử tuổi xế chiều, công chúa tuổi hoàng hôn, là một ví dụ.
Mặc dù được lấy làm tên tác phẩm, nhưng truyện ngắn Sà lan đỏ bãi xanh có thể xem là một sự thất vọng, không phải vì dở mà vì hụt hẫng. Nếu trong 12 truyện ngắn của tập truyện, 11 truyện là vừa vặn, đến thế là đủ, thì riêng Sà lan đỏ bãi xanh lại xứng đáng để là cả một câu chuyện riêng. Ở đó có ước mơ, có sự thật trần trụi của cuộc sống, có cả một bối cảnh lớn với những nhân vật đầy góc cạnh. Có lẽ, chính bản thân tác giả cũng hiểu điều đó nên dành cho truyện ngắn này của mình một vị trí đặc biệt - như một sự chuẩn bị cho một tác phẩm khác lớn hơn. Bạn đọc có thể hy vọng về một tác phẩm đầy đặn, một tác phẩm giúp Văn Thành Lê rũ bỏ cái “văn trẻ” để thực sự trưởng thành.