Ghi nhận hiện trường, vết nứt mới dài hơn 10m, ăn sâu vào sân nhà hơn 3m, có chỗ tạo nên khoảng nứt rộng hơn 20cm.
“Mới sáng hôm qua, tôi đang nấu cơm thì nghe trên mái tôn kêu rắc rắc, tôi sợ quá. Nghe sạt lở ở đằng kia thấy sợ quá trời rồi, mà bây giờ tới nhà mình bị nứt nên tối đâu có dám ngủ đâu, giờ mấy đứa cháu cũng không dám cho nó ở thường trong nhà vì sợ không biết nó sụp lúc nào. Bây giờ mong sao nhà nước có sự hỗ trợ làm bờ kè để an tâm sinh sống”, bà Lê Thị Sáu (người dân có nhà ở nơi xuất hiện vết nứt mới) cho biết.
Bí thư Thành ủy Sa Đéc Phạm Văn Chuẩn khảo sát vị trí sạt lở mới. Ảnh: LONG HẬU |
Ông Lê Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông cho biết, địa phương đã nắm được tình hình và đã vận động bà con ở đây di dời tài sản có giá trị ra khỏi khu vực đang bị sụt lún, hạn chế đi lại, sinh hoạt ở khu vực này. Địa phương sẽ cử lực lượng thường xuyên túc trực, theo dõi để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Sáng cùng ngày, tại khu vực sạt lở ảnh hưởng đến 11 hộ dân, trong đó 1 hộ có nhà sụp hoàn toàn, chính quyền địa phương đã hoàn tất khâu tháo dở các chòi tạm và căn nhà bị sụp để đảm bảo cho các phương tiện thủy lưu thông qua đây.
Đối với khu vực sạt lở ảnh hưởng đến 11 hộ dân, chính quyền địa phương đã hoàn tất khâu tháo dở, hỗ trợ bà con di dời. Ảnh: LONG HẬU |
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông Lê Văn Giàu trao tiền hỗ trợ cho gia đình có nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông. Ảnh: LONG HẬU |
Ngoài ra, chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Phú Đông đã đến trao số tiền 10 triệu đồng và 20 kg gạo hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, là gia đình có nhà bị lở hoàn toàn xuống sông.
Bí thư Thành uỷ Phạm Văn Chuẩn cũng đã đến khảo sát, thăm hỏi các hộ dân trong vùng sạt lở để có sự chỉ đạo khắc phục sự cố trong thời gian tới.