Rút ngắn thời gian thông quan: Cần sự phối hợp đồng bộ

Ngày 29-8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã làm việc với Cục Hải quan TPHCM và một số doanh nghiệp (DN) xung quanh các giải pháp thực hiện cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới cần có sự phối hợp thực hiện một cách đồng bộ giữa các bộ, ngành.
Rút ngắn thời gian thông quan: Cần sự phối hợp đồng bộ

Ngày 29-8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã làm việc với Cục Hải quan TPHCM và một số doanh nghiệp (DN) xung quanh các giải pháp thực hiện cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới cần có sự phối hợp thực hiện một cách đồng bộ giữa các bộ, ngành.

Doanh nghiệp “muốn” vào luồng vàng!

Đại diện Công ty Tiếp nhận vận tải Á Âu than vãn: “Công ty nhập khẩu rất nhiều sản phẩm và phải kiểm tra chất lượng nên hàng hóa muốn được thông quan buộc phải có kết quả kiểm tra mới cho mang về bảo quản. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, để có kết quả kiểm tra chất lượng phải qua nhiều cơ quan và mất đến cả tháng gây phát sinh nhiều chi phí trong khi mặt hàng nhập về chỉ là bếp điện, điện gia dụng”.

Còn Công ty TNHH Sản xuất thương mại Vạn Thành phản ánh: Theo quy định hiện nay, hàng hóa khi xuất qua đường hàng không phải khai chuyến bay, ngày bay, nhưng có những chuyến hàng khi đến sát ngày, giờ bay bên sân bay thông báo hoãn chuyến nên việc thay đổi, sửa tờ khai gây khó khăn cho DN.

Ngoài ra, hiện nay đã áp dụng khai điện tử nhưng vẫn bắt buộc DN phải in hồ sơ giấy (có khi hồ sơ giấy cả trăm mặt hàng phải in rất nhiều - NV) để trình cho các cơ quan cấp C/O và thanh toán ngân hàng rất phiền phức cho DN. Với tờ khai luồng xanh không có tờ khai nào được thông quan ngay lập tức. Bởi vì, khi khai sai nội dung trên tờ khai phải trình công văn sửa rất lâu nên nhiều lúc DN muốn xin được chuyển sang luồng vàng cho dễ chỉnh sửa trên hệ thống.

Doanh nghiệp làm hồ sơ hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Hải quan TPHCM cho biết, từ khi thực hiện hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS thì hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ do hệ thống tự động thông quan, nhờ đó thời gian thông quan nhanh hơn, độ chính xác cao hơn, ổn định hơn… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hệ thống vẫn gặp một số vướng mắc như: Ưu điểm lớn nhất của hệ thống VNACCS/VCIS là thực hiện cơ chế một cửa quốc gia nhưng tiến độ triển khai cơ chế này còn chậm. Đến nay vẫn chưa có giấy phép điện tử được cấp phép và thông quan theo cơ chế một cửa dẫn đến DN phải xuất trình giấy phép cho cơ quan hải quan.

Mặt khác, hiện nay, việc kết nối dữ liệu nộp thuế với kho bạc và ngân hàng chưa được tốt; dữ liệu nộp thuế không chuyển về hệ thống thanh toán thuế điện tử kịp thời dẫn đến DN phải xuất trình giấy nộp tiền để hải quan kiểm tra, cập nhật chứng từ vào hệ thống kế toán làm ảnh hưởng thời gian thông quan hàng hóa… Về chính sách điều hành xuất nhập khẩu, Nghị định 187/2013/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt quan trọng, liên quan đến chính sách điều hành xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay mới có Bộ Công thương ban hành thông tư hướng dẫn, còn các bộ, ngành khác vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn. Việc các bộ, ngành chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong thực thi nhiệm vụ; làm giảm thời gian thông quan hàng hóa và tăng chi phí cho DN. Ngoài ra, theo quy định hiện nay, DN được quyền cùng cơ quan hải quan xác nhận trước mã số HS, trị giá, xuất xứ để phục vụ thông quan.

Tuy nhiên, quy định hiện hành cũng còn một số vướng mắc như DN phải gửi hồ sơ đề nghị trước 90 ngày; Tổng cục Hải quan là cơ quan xác định trước nhưng DN nộp hồ sơ tại Cục Hải quan địa phương, sau đó cục gửi ra Tổng cục Hải quan dẫn đến thêm thủ tục và thời gian bị kéo dài.

Quyết liệt giảm thời gian làm thủ tục hải quan

Đề cập đến những giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thông quan, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp đề xuất, đối với những lô hàng bắt buộc phải kiểm dịch nên có khu riêng để bố trí kiểm tra hàng kiểm dịch. Bên cạnh đó, phải công bố hợp quy và công bố quy chuẩn đối với một số mặt hàng để DN chấp hành, chứ lô hàng nào về cũng kiểm tra rất khó cho DN.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết: Về thời gian giải phóng hàng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới là 21 ngày, trong đó riêng đối với lĩnh vực hải quan, thời gian làm thủ tục tổng cộng là 4 ngày. Hiện nay, ngành hải quan đang tập trung các giải pháp để giảm thời gian kiểm tra hàng hóa đối với luồng vàng, luồng đỏ, đặc biệt là việc phân luồng hàng hóa.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ tham mưu cho Bộ Tài chính soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Hải quan theo tinh thần tạo thuận lợi nhất cho DN với quan điểm cái gì không cần cung cấp hồ sơ thì không yêu cầu. “Với những giải pháp mà Tổng cục Hải quan đang triển khai thực hiện thì việc rút ngắn thời gian thông quan theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ thực hiện theo đúng tiến độ” - ông Anh cam kết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, thời gian thông quan của nước ta hiện nay là 21 ngày trong khi so với khu vực là 13, 14 ngày nên còn rất cao. Việc chậm trễ trong việc thực hiện thông quan sẽ làm tăng chi phí cho DN, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, cần đưa ra những giải pháp thực hiện giảm thời gian thông quan qua biên giới bằng với các nước trong khu vực.

Về các giải pháp thực hiện, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đối với những lĩnh vực liên quan các bộ, ngành thì Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét. Đối với những vấn đề do Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan quản lý sẽ rà soát để sửa đổi, cắt giảm.

“Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục để giảm thời gian nộp thuế, giảm thời gian làm thủ tục hải quan cho các DN. Nếu vướng ở luật, Chính phủ trình Quốc hội sửa luật, hiện Chính phủ đã sửa 19 điểm liên quan đến luật; Bộ Tài chính sửa 7 thông tư để giảm hơn 200 giờ khai thuế cho DN, sẵn sàng sửa quy trình nghiệp vụ…” - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục