Rút ngắn thời gian đóng BHXH: Đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu của người lao động

Thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều ĐBQH đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH còn 10-15 năm được hưởng lương hưu. 

Đề xuất này được cho nhằm đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu của người lao động và khắc phục được tình trạng rút BHXH một lần. Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc BHXH TPHCM:
Áp dụng thời điểm này cũng phù hợp tình hình thực tế

Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, trong đó, một số ĐBQH có đưa ra đề xuất rút ngắn thời gian tham gia đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm rồi 10 năm. Với quan điểm của cấp cơ sở thì tôi ủng hộ đề xuất này. Hiện nay có rất nhiều người có gần 20 năm đóng BHXH, hết tuổi lao động người ta không làm nữa thì người ta không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Như vậy là đưa người ta ra khỏi mạng lưới an sinh xã hội, chỉ được hưởng một lần thôi, rất khó khăn. 

Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc BHXH TPHCM
Tôi cũng thấy rằng quy định về thời gian đóng BHXH cố định trong 20 năm là chưa linh hoạt, khiến người tham gia bảo hiểm chưa thực sự an tâm do thời gian đóng quá dài, nhất là người lao động ngoài quốc doanh. Như vậy là không khuyến khích, động viên những người có độ tuổi khá cao tham gia vào hệ thống an sinh xã hội, sẽ là gánh nặng cho chính bản thân, gia đình và xã hội sau này. Theo Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, thời gian đóng BHXH ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Chủ trương có thể áp dụng ngay thời điểm này cũng phù hợp với tình hình thực tế. Song song đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong tham gia BHXH bắt buộc.

Nhà giáo LÊ ĐỨC THỌ, Trường Đại học Luật TPHCM:
Để tiền hưu trí là chỗ dựa khi về già

Hơn 30 năm tuổi trẻ lao động, cống hiến trong ngành giáo dục, đồng lương hàng tháng là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình. Khi đến tuổi về hưu, tiền BHXH trả hàng tháng là nguồn thu nhập chính để nuôi sống bản thân và trang trải gia đình. Khi về già mới thấy ý nghĩa của tiền hưu trí. Tiền lương hàng tháng không chỉ chi tiêu cho ăn uống mà còn chi phí thuốc thang, chữa bệnh và hiếu hỷ thường nhật. Tiền hưu trí không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần, tự tin tự lập tài chính, không phụ thuộc vào con cái. Điều băn khoăn hiện nay, hầu hết công chức khi về hưu thì lương còn thấp, không ít người lương hưu không đủ để trang trải cho cuộc sống bình thường.  

Nhà giáo LÊ ĐỨC THỌ, Trường Đại học Luật TPHCM
Công chức về hưu nhận tiền BHXH thấp do những quy định không hợp lý. Tiền BHXH do người lao động và đơn vị sử dụng lao động đóng. Công chức lại hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Để giảm gánh nặng cho ngân sách, tiền đóng vào quỹ BHXH căn cứ theo mức lương Nhà nước. Vậy nên lương hưu trí của giới công chức thường thấp. Trong điều kiện tiền lương tăng không đáng kể, giá cả leo thang, tỷ lệ lạm phát hàng năm càng làm cho giá trị thật của đồng lương hưu trí teo tóp dần. Để người về hưu có cuộc sống ổn định, Nhà nước cần cải cách, thay đổi cách đóng BHXH đối với cán bộ, công chức, những người nhận lương từ ngân sách. Khi chế độ lương chưa thể tăng theo lộ trình thì Nhà nước dành một phần ngân sách xây dựng quỹ hưu cho công chức nhà nước, chứ không phụ thuộc vào tiền lương nhận hàng tháng. Với nguồn quỹ hỗ trợ này, người lao động làm việc trong bộ máy hành chính, viên chức, giáo viên… an tâm khi về già. 

Ông NGUYỄN BÁ DUY PHƯƠNG, Hội Chữ thập đỏ quận 3, TPHCM:
Rút ngắn thời gian là chủ trương nhân văn

Theo tôi, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hay 10 năm đều không khó. Tôi hoàn toàn nhất trí, đồng tình với đề xuất này. Bởi lẽ, đây là một chủ trương mang tính nhân văn. Và, chủ quan nhận xét, sẽ có rất nhiều người hưởng lợi ích thiết thực khi về hưu hay lý do nào đó mà không thể làm việc được nữa.

Ông NGUYỄN BÁ DUY PHƯƠNG, Hội Chữ thập đỏ quận 3, TPHCM
Trước nay, khi áp dụng theo Luật Bảo hiểm xã hội thì thời gian được hưởng là 20 năm. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi vì nhiều lý do tế nhị đã chuyển công tác từ cơ quan qua doanh nghiệp đã phải tính lại từ đầu thời gian đóng BHXH. Vậy là khi đến tuổi nghỉ hưu họ không đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Không ít người phải đóng thêm tiền cho số năm còn thiếu hay chờ vài năm mới được lãnh lương hưu, quyền lợi của người được hưởng BHXH chưa đảm bảo. Do vậy, nhiều người chấp nhận lãnh chế độ BHXH 1 lần. Tuy nhiên, nó sẽ không an toàn cho cuộc sống sau tuổi nghỉ hưu bằng việc mỗi tháng có lương.


Chị TRẦN ĐÀO HUỲNH ANH, quận 12, TPHCM:
Sẽ khuyến khích mọi người tham gia BHXH

Hiện nay, nhiều người trẻ mới ra trường đi làm, trong quá trình thử việc tại một số cơ quan, đơn vị, không được đóng BHXH, không được hưởng lương cơ bản. Quá trình thử việc đôi khi kéo dài trong suốt nhiều năm nên quyền lợi của người lao động hầu như không có. Khi được tham gia thì đã quá trễ, không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nên rất thiệt thòi cho nhóm người lao động này.

Chị TRẦN ĐÀO HUỲNH ANH

Mặt khác, hiện nhiều người có xu hướng rút BHXH 1 lần, vì thời gian 20 năm quá lâu, không phải ai cũng đi làm đủ 20 năm để hưởng lương hưu, nên đa phần khi nghỉ làm là người lao động thường rút bảo hiểm 1 lần để chi tiêu cá nhân. Thậm chí, nhiều người đi làm được đóng BHXH nhưng vẫn không thiết tha tham gia. Với góc độ là một người trẻ, tôi rất ủng hộ việc rút ngắn thời gian đóng BHXH, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, đồng thời khuyến khích người lao động tham gia BHXH nhiều hơn. Qua đây, tôi cũng kiến nghị các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm hơn người lao động, có chế độ chính sách đóng BHXH, được hưởng các quyền lợi cơ bản mà pháp luật đã quy định, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Tin cùng chuyên mục