Với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm khoảng 4,2%. Theo VEPR, kịch bản này ít khả năng xảy ra, nhưng không phải là không khả thi nếu kinh tế thế giới diễn biến tích cực nhờ sự mở cửa của Trung Quốc.
Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,5%, CPI bình quân năm khoảng 3,5%. Kịch bản này cũng ít có khả năng xảy ra, trừ trường hợp diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn. Tại kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6%, tương ứng CPI bình quân khoảng 4%. Kịch bản này thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ 0,5% và nhiều khả năng xảy ra hơn cả.
Nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng: các động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đều suy giảm mạnh. Kinh tế quý 1 tăng trưởng chỉ 3,32%, mức thấp nhất trong điều kiện bình thường, kể từ năm 1990. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 11,6%; kim ngạch nhập khẩu cũng giảm tới 18,4% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tốc mạnh từ quý 3-2022. Chỉ số nhà quản trị mua hàng tiếp tục suy giảm trong 5 tháng đầu năm 2023, tụt xa so với mức trung bình 50 điểm… Đáng lưu ý, 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gần bằng 93% số gia nhập mới. Đây là tỷ lệ cao chưa từng có.
“Một bộ phận rất lớn doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực của họ, đang rất khó khăn”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, phát biểu nhấn mạnh tại hội thảo. Theo TS Nguyễn Đình Cung, một bằng chứng thuyết phục là nhu cầu vốn của khu vực doanh nghiệp đang xuống rất thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành. Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm, trong khi tín dụng tăng chậm. Không hấp thụ được vốn cho thấy doanh nghiệp đang “ốm nặng”.
Trong khi có nhiều yếu tố khách quan không thể hoặc rất khó thay đổi, thì việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính là yếu tố còn nhiều dư địa để cải thiện, góp phần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, năm 2022, có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” (năm 2021 tỷ lệ này là 57,4%).
Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần có nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền; tập trung cải cách một số lĩnh vực mà thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp (theo khảo sát của VCCI tiến hành cuối năm 2022, 5 lĩnh vực đang khiến doanh nghiệp mệt mỏi nhất là thuế/phí, đất đai/giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, PCCC và xây dựng)…
Bên cạnh đó, quy trình thủ tục hành chính liên ngành cũng là một trong những điểm cần cải cách và cần có sự chỉ đạo thông suốt từ Chính phủ; giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; cải cách mạnh khâu kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bối cảnh hiện nay cần kiên quyết thực hiện những giải pháp tuy không mới, nhưng với một tinh thần mới, thái độ mới quyết liệt hơn, để khoảng cách giữa thực tế và mục tiêu ngắn lại.