Mặc dù cuộc thử nghiệm về rau xà lách có sử dụng chất kích thích do Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tiến hành vẫn chưa kết thúc (do mới tiến hành được 13 ngày, bằng một nửa chu kỳ trồng và thu hái rau xà lách thông thường là từ 20 - 35 ngày), song sự khác biệt khá rõ rệt đã có thể nhận thấy tại những luống rau thử nghiệm. Một số cây rau đã đạt đến kích cỡ thương phẩm. Được biết, sau khi kết thúc thử nghiệm, chi cục sẽ đưa các mẫu rau đi phân tích thành phần nhằm xác định chính xác ảnh hưởng của rau có sử dụng chất kích thích đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo kỹ sư Trần Thị Huyền, người trực tiếp được giao bám sát thực địa và theo dõi kết quả thử nghiệm, đến nay đã có thể khẳng định, các loại thuốc kích thích tăng trưởng có tác dụng nhất định, song không thể giúp rau phát triển siêu tốc chỉ trong một vài ngày như một số nguồn tin nhận định.
Trong cùng thời gian và điều kiện sinh trưởng, luống rau phát triển mạnh nhất là luống có phun thuốc GA3 (ngoài danh mục, không phải loại được đồn đại là “siêu tăng trưởng”) có sinh khối bằng gần 2 lần so với mẫu đối chứng, trong khi luống phun thuốc trong danh mục (Vimogroen) chỉ nhỉnh hơn một chút. Lá rau tại các luống có phun thuốc ngoài danh mục màu non mỡ hơn so với mẫu có phun Vimogroen và mẫu đối chứng, nhiều cây đã có thể thu hoạch. Theo kinh nghiệm của người dân, như vậy việc dùng thuốc có thể “tiết kiệm” được khoảng 15 ngày trong điều kiện thời tiết như hiện nay.
Tuy việc sử dụng thuốc kích thích không làm rau có mùi vị khác thường như khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên rất khó nhận biết bằng cảm quan, đồng thời cũng chưa có những nghiên cứu khoa học cụ thể về mức độ độc hại của loại rau bị “thổi phồng” này; nhưng do không đủ thời gian tích lũy dưỡng chất cần thiết nên rau nhạt, không ngon ngọt. Chị Huyền cho biết, nhiều người dân ở đây không ăn rau nhà trồng mà đến mua rau tại dự án trồng rau an toàn của chi cục.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ng., một nông dân trồng rau tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm cho biết, người dân thường sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng trên các loại rau ăn lá, có thời gian sinh trưởng ngắn. Mức độ sử dụng của các hộ nông dân thì “tùy tâm”, tùy thói quen, bởi giá thuốc rẻ và không quá khó mua. Thuốc trong danh mục như Vimogroen thì nhiều cửa hàng bán 6.000 đồng/viên, pha được 8 lít thuốc, có thể dùng cho nửa sào Bắc bộ (một sào bằng 360m2). Các loại thuốc bột ngoài danh mục cũng pha một gói (chừng 10.000 đồng) tưới được nửa sào, riêng “siêu tăng trưởng” 920 thì phải cho một lượng cồn vừa đủ rồi mới pha thêm nước…
Tuy nhiên, khi thử hỏi mua thuốc kích thích tăng trưởng tại 3 cửa hàng ở các quận Gia Lâm, Đông Anh và huyện Thanh Trì, chúng tôi đều bị từ chối. Theo chị Ng., các cửa hàng chỉ bán cho khách quen với thái độ thận trọng, nhất là sau khi báo chí đưa tin về việc này. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội nói với phóng viên Báo SGGP: “Thực ra Hà Nội có 1,7 vạn hộ nông dân, 350 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV nằm ở cả đường phố lớn lẫn các ngõ hẻm sâu trong khu dân cư, trong khi đó chi cục lại chỉ có 5 thanh tra viên nên việc bảo đảm không bán, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng nói riêng và thuốc bảo vệ thực vật nói chung là rất khó. Mặt khác, theo quy định mới, mức phạt tối đa của thanh tra chỉ có 200.000 đồng, không đủ sức răn đe”. Bà Hoa cho biết, chi cục đang xây dựng đề án trình kỳ họp HĐND TP Hà Nội vào tháng 4 tới nhằm siết chặt công tác quản lý thuốc BVTV, song đề án chỉ có thể thành công nếu có sự vào cuộc thực sự của chính quyền cấp cơ sở.
Anh Thư