Áp thấp nhiệt đới, mưa to ở miền Bắc và miền Trung
Theo TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sáng nay 15-10, áp thấp nhiệt đới đã đi vào khu vực giữa Biển Đông.
Hồi 7 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc - 119,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 650km về phía Đông Bắc.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km.
Khoảng 7 giờ sáng mai, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 360km về phía Bắc Đông Bắc.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 7 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc - 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 150km về phía Đông với cấp 8.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, sau suy yếu thành vùng áp thấp nên ở khu vực ven biển và đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, nam Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100-200mm, có nơi trên 250mm; Hà Tĩnh và các nơi khác ở Bắc Bộ phổ biến khoảng 40-70mm.
Bão số 7 đã gây sạt lở 278m² kè Hải thịnh 3 thuộc tuyến đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ứng phó đợt mưa lũ mới
Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các địa phương ở miền Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa. Điều hành hệ thống hồ chứa, nhất là 4 hồ chứa lớn: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Thu hoạch lúa đã chín, tiếp tục tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn.
Các tỉnh miền Trung tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo tại các công điện của Thủ tướng và Ban chỉ đạo:
Tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Rà soát, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ.
Triển khai đánh dấu vết lũ tại các điểm bị ngập sâu, lũ lịch sử.
Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương và Vu Gia - Thu Bồn.
Khắc phục 2 đoạn còn ách tắc giao thông tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 49 vào Thừa Thiên - Huế (các quốc lộ khác và đường sắt đã thông tuyến).
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.
"Tổ chức rút kinh nghiệm công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn trong đợt mưa lũ" - báo cáo của Ban chỉ đạo nêu rõ.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển trú, tránh áp thấp nhiệt đới và tại các khu neo đậu, tránh để lặp lại các sự cố về tàu, thuyền những ngày vừa qua, đặc biệt lưu ý tàu vận tải, neo đậu nơi cửa sông khi có lũ.
Cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, khi bão vào không được để người trên tàu.
Kiểm tra khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở, lũ quét kể cả các khu đô thị (như Khánh Hòa, Bình Định).
Kiểm tra chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó với mưa, lũ lớn tại các khu vực Trung Trung bộ, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ vừa qua.