Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Nhiều người lao động muốn nộp lại tiền rút BHXH một lần
Tình trạng rút BHXH một lần đã xảy ra liên tục thời gian qua và dự báo vẫn gia tăng trong thời gian tới. Theo khảo sát xã hội học về tình trạng rút BHXH một lần thì phần lớn là những trường hợp đóng BHXH dưới 10 năm. Khi điều tra xã hội học, có đến 61,1% công nhân trả lời rằng, sẵn sàng nhận BHXH một lần, tức là họ không muốn duy trì quan hệ BHXH để chờ đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu. Chỉ có hơn 31% kiên quyết không rút, còn lại không bày tỏ ý kiến. Đây là những con số rất đáng quan tâm. Theo tôi, rút BHXH một lần là vấn đề rất lớn vì sau 15-20 năm nữa, hàng triệu NLĐ sẽ không có lương hưu. Và, cuộc sống của những người rút BHXH một lần sẽ không thể thuận lợi.
Theo tôi, nhận thức là vấn đề quan trọng dẫn đến hành động. Chúng ta phải đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao hơn nhận thức cho NLĐ về việc gắn bó lâu dài với BHXH để được hưởng các chính sách ốm đau, thai sản, lương hưu, tử tuất sau này… Nhiều người đã nhận ra lợi ích lâu dài của việc duy trì BHXH và mặt trái của việc rút BHXH một lần. Thời gian qua, theo tìm hiểu của chúng tôi, có khá nhiều NLĐ bày tỏ tiếc nuối khi đã rút BHXH một lần và mong được nộp lại số tiền đã rút để tham gia BHXH tự nguyện, được hưởng lương hưu sau này. Tuy nhiên, quy định hiện hành không cho phép nộp lại khoản tiền đã rút. Có lẽ khi thiết kế, xây dựng và đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cũng cần nghiên cứu, thiết kế chính sách theo hướng linh hoạt, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ.
Ông TRẦN DŨNG HÀ, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Rút BHXH một lần, mất cơ hội hưởng các chế độ khác
Hiện nay, với mức 22% lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, thì một năm, tổng mức đóng BHXH của mỗi NLĐ là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (thời điểm đóng trước năm 2014) và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (từ năm 2014 về sau). Nếu hưởng BHXH một lần, NLĐ sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương với mỗi năm đóng BHXH (trước năm 2014) và khoảng 0,64 tháng lương với mỗi năm đóng BHXH (sau năm 2014).
Khi hưởng BHXH một lần, NLĐ sẽ không còn cơ hội hưởng các chế độ khác. Đó là mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động; nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần. Không có lương hưu hàng tháng trang trải cuộc sống khi về già, không còn khả năng lao động, NLĐ có nguy cơ trở thành gánh nặng cho gia đình vì phải sống phụ thuộc vào con cái, người thân.
Việc rút BHXH một lần cũng khiến NLĐ mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền; mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời.
Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM: Ổn định chính sách, hài hòa quyền lợi người tham gia
Khi rút BHXH một lần sẽ gây ra nhiều thiệt thòi cho NLĐ. Tuy nhiên, hiện có tình trạng doanh nghiệp sẵn sàng cho NLĐ kết thúc hợp đồng lao động để nhận BHXH một lần. Trong thời gian 1 năm chờ nhận BHXH, doanh nghiệp sẽ nhận NLĐ tiếp tục làm việc nhưng không có hợp đồng lao động, không có chế độ, sau 1 năm sẽ ký lại hợp đồng chính thức với mức lương khởi điểm. Đây là thiệt thòi lớn mà NLĐ cần cân nhắc.
Theo tôi, cần cách tính hợp lý hơn cho mức hưởng lương hưu, phù hợp với trượt giá trong quá trình đóng BHXH kéo dài. Ngoài ra, để NLĐ an tâm tham gia BHXH, cơ quan BHXH cần thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho NLĐ. Đặc biệt, mạnh dạn xây dựng chính sách sao cho hài hòa, hạn chế những bất cập hiện nay thì mới thu hút được người tham gia BHXH.