Ngày 13-4, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia gồm 6 chương, 22 điều đề cập các biện pháp nhằm làm giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp kiểm soát việc sản xuất, chất lượng, cung cấp, kinh doanh rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại rượu bia, bia...
Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10-2018.
Trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành chức năng là quy định về thời gian bán rượu bia và quản lý rượu thủ công.
Theo đó, đối với quy định về địa điểm, phương thức, thời gian bán rượu, bia, Bộ Y tế có 3 phương án: Phương án 1 chỉ được bán từ 11-14 giờ và 17-22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; phương án 2 là bán từ 6-22 giờ hằng ngày; phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Lý giải cho các đề xuất này, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng hiện nay, nhiều nước đã quản lý rất tốt kinh doanh rượu, bia bằng quy định giờ bán cụ thể, chẳng hạn như ở Thái Lan thực hiện chỉ bán rượu, bia vào giờ ăn tối.
Liên quan tới việc quản lý rượu thủ công, đại diện Bộ Y tế thừa nhận hiện nay việc quản lý mặt hàng này rất khó khăn vì thực tế, số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở đang hoạt động, chỉ khoảng 15% đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ được cấp phép.
Do đó, dự án luật này sẽ siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công theo hướng người sản xuất rượu thủ công dù không kinh doanh cũng phải kê khai với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất và cam kết không bán rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
Đối với việc phòng ngừa và xử lý rượu, bia nhập lậu, giả, không bảo đảm an toàn, Bộ Y tế đang đề xuất quy định việc sử dụng chất chỉ thị màu trong cồn công nghiệp (methanol) để phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang rất báo động. Việt Nam đứng thứ 2 các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên toàn thế giới về mức tiêu thụ rượu bia. Đáng chú ý, trung bình nam giới trên 15 tuổi ở nước ta tiêu thụ 27,4 lít cồn/năm.
Theo điều tra của Bộ Y tế, 80,3% nam giới cho biết có sử dụng rượu bia trong vòng 30 ngày qua. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân của người trên 15 tuổi chủ yếu là từ rượu bia đã tăng 75% sau 5 năm. Đáng báo động, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng ở nước ta, tăng gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn sau 5 năm. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép khá cao, tới 47,5%.
Trong khi đó, bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, chiếm 60% số vụ tai nạn giao thông. Tiếp đó, rượu bia cũng gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội chiếm 30%. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia có tác động trực tiếp và gián tiếp cho 200 loại bệnh.