Trên 70% đàn ông Việt Nam thường xuyên sử dụng rượu bia. Thậm chí với nhiều đấng mày râu, sử dụng rượu bia đã trở thành nét văn hóa, một thói quen trong cuộc sống thường ngày. Thực tế này đang khiến Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia đứng hàng đầu khu vực, trong khi thu nhập người dân vẫn còn rất thấp. Đáng buồn hơn, những hậu quả, tác hại của rượu bia gây ra cho sức khỏe người dân và cộng đồng lớn hơn rất nhiều lợi ích rượu bia đem lại.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1 đơn vị rượu là 10g cồn/rượu nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức tương đương 2/3 chai bia/lon bia 330ml (5%), 1 ly bia hơi 330ml, 1 ly nhỏ (100ml) rượu vang trắng/đỏ (13,5%) và 1 chén (30ml) rượu mạnh (40-43%). Trên cơ sở tiêu chuẩn này có 4 cấp độ nguy cơ trong sử dụng rượu bia:
Sử dụng rượu bia an toàn, nguy cơ thấp: Lý tưởng nhất vẫn là không nên uống, nếu đã uống chỉ nên giữ ở mức không quá 2 đơn vị rượu/ngày đối với nam và không quá 1 đơn vị rượu/ngày đối với nữ.
Sử dụng rượu bia ở mức có hại: Là việc sử dụng ở mức độ dẫn tới nguy cơ gây hại cho người uống, mặc dù chưa chịu những tổn hại về sức khỏe do rượu bia gây ra nhưng họ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch... hoặc nguy cơ chấn thương, bạo lực hay hành vi vi phạm pháp luật, giảm khả năng làm việc.
Sử dụng rượu bia ở mức nguy hiểm: Là việc sử dụng ở mức gây các tổn hại về sức khỏe, bao gồm những tổn hại về thể chất như tổn thương gan, tim mạch, hay về tâm thần như trầm cảm và loạn thần. Bên cạnh đó là các hậu quả về xã hội như tai nạn, thương tích, bạo lực, giảm khả năng làm việc.
Cấp độ phụ thuộc, nghiện rượu bia: Là tình trạng lệ thuộc rượu bia được đặc trưng bởi sự thèm muốn (nhu cầu uống mãnh liệt), mất kiểm soát (không thể ngừng uống mặc dù rất muốn dừng), tăng mức độ dung nạp, ảnh hưởng thể chất.
Hậu quả của lạm dụng rượu bia gây ra đối với sức khỏe con người là rất nghiêm trọng. Những nghiên cứu quốc tế cho thấy, nếu như năm 2009, toàn cầu có 2,5 triệu ca tử vong liên quan rượu bia thì năm 2012 con số này đã tăng lên 3,3 triệu ca. Đối với Việt Nam, dù chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhưng cũng có thể đánh giá trong số 8 yếu tố nguy cơ gây gánh nặng bệnh tật và chấn thương (nước sạch, vệ sinh môi trường, chỉ số cơ thể, ô nhiễm không khí, thuốc lá, ít vận động thể lực...) thì rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 4. Hơn nữa, cùng thuốc lá, rượu bia là tác nhân của 8 loại bệnh như ung thư, cao huyết áp, tim mạch và đột quỵ. Đồng thời rượu bia là tác nhân duy nhất gây bệnh với 2 bệnh: loạn thần do rượu có tỷ lệ mắc rất cao và hội chứng rối loạn phát triển bào thai do rượu đang có tỷ lệ mắc gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu cho biết có trên 71% số ca tử vong ở nam giới do xơ gan có liên quan rượu bia. Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, nếu người Việt uống rượu bia ở mức thấp nhất (0-2,5g rượu/ngày) thì số ca tử vong/năm liên quan rượu bia có thể giảm được là 13.923 ở nam và 1.558 ở nữ. Ngoài ra, nếu chúng ta không sử dụng rượu bia mỗi năm có thể giảm được 21,6% số ca ung thư, 29,6% số ca chấn thương, 14% số ca bệnh tim mạch và trên 6% rối loạn tâm thần.
Hiện nay, việc tiêu thụ rượu bia ở nước ta đang gia tăng chóng mặt. Chỉ tính trong năm 2013, Việt Nam đã tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia, tương đương 3 tỷ USD - khoảng 3% GDP chảy theo “ma men”. Trong khi đó, đóng góp ngân sách nhà nước của ngành rượu bia chỉ hơn 800 triệu USD/năm. Không chỉ vậy, Việt Nam là nước có mức thu nhập đứng thứ 8 trong khu vực ASEAN nhưng tiêu thụ rượu bia đứng thứ 3 Châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Rõ ràng gánh nặng rượu bia đang rất lớn, không chỉ về sức khỏe mà cả kinh tế, xã hội của đất nước khi sử dụng rượu bia là nguyên nhân của trên 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% số vụ bao lực gia đình, trong khi so với một số nước phát triển như Bỉ là 40%, Mỹ 30-40%. Hơn nữa, 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội ở nước ta cũng có nguyên nhân từ rượu bia, trong khi nhiều nước phát triển tỷ lệ này chỉ 20-30%.
Báo cáo của WHO tại Việt Nam nêu rõ, có tới 4,5% gánh nặng thương tích và bệnh tật toàn cầu có liên quan rượu bia. Trong đó, có trên 372.000 ca tử vong do xơ gan, 184.679 ca tử vong do ung thư gan, trên 268.000 ca tử vong do tai nạn giao thông và gần 224.000 ca tử vong do các thương tích khác. Đến nay, có 147 quốc gia có chính sách về kiểm soát nguy hại của rượu bia, 123 quốc gia có chính sách yêu cầu cấp phép bán rượu bia với quy định về giờ bán, mật độ điểm bán và 30% số quốc gia thành viên WHO có chính sách cấm quảng cáo một phần hoặc toàn bộ rượu bia. |
TS VŨ THỊ MINH HẠNH
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Phải hạn chế lạm dụng
Sử dụng rượu bia là một thói quen phổ biến đối với không ít đàn ông Việt Nam. Hiện nay, có tới trên 70% đàn ông Việt uống rượu bia, trong đó, cứ 4 người có 1 người sử dụng rượu bia ở mức có hại, tương đương 6 ly bia mỗi ngày. Hơn nữa, các cuộc điều tra, khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy, tỷ lệ người uống rượu bia ở nước ta, đặc biệt là nam giới, đang ngày càng gia tăng và có chiều hướng trẻ hóa. Thực tế đáng báo động này dẫn tới những mối đe dọa rất lớn cho sức khỏe người dân và cộng đồng. Bởi lẽ, những người thường xuyên sử dụng rượu bia rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng bản thân như ung thư, xơ gan, viêm gan, các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tâm thần và sức khỏe tình dục. Không chỉ vậy, người lạm dụng rượu bia còn bị rối loạn hành vi, khó kiểm soát nên rất dễ dẫn tới các hành vi gây huy hại cho xã hội và cộng đồng như đánh nhau gây thương tích, gây mất trật tự xã hội, hay bạo lực gia đình và đặc biệt là tai nạn giao thông. Qua các điều tra, có tới hơn 60% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan rượu bia.
Tháng 2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chính sách quốc gia Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tới năm 2020. Mục tiêu lớn nhất của chính sách này là phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn đối với sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ổn định và bền vững. Để thực hiện chính sách, Bộ Y tế đang là đầu mối xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia, với nhiều quy định nhằm hạn chế sử dụng rượu bia bừa bãi, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người sử dụng cũng như nhiều hệ lụy cho xã hội. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay tới năm 2016, cùng việc hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia, cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý rượu thủ công; chuẩn bị điều kiện về cơ chế, nguồn lực để tổ chức sàng lọc, phát hiện, cai nghiện và chống tái nghiện rượu bia tại cộng đồng. Cùng với đó là tăng cường thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về cấm sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo, tiếp thị, ghi nhãn và kinh doanh buôn bán rượu bia và đồ uống có cồn.
QUỐC LẬP ghi