Ngày 30-8, các đơn vị có liên quan vẫn đang khắc phục các điểm hư hỏng ở kênh dẫn thủy lợi Pleikeo (thuộc Công trình thủy lợi Pleikeo, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Tại hiện trường, các hạng mục hư hỏng vẫn đang được sửa chữa. Một số vị trí khi sửa xong lại xuất hiện các vết nứt.
Ngoài ra, tại các vị trí, bê tông kênh dẫn nước bị nứt, dẫn đến rò rỉ nước từ bên ngoài ruộng vào kênh. Một số đoạn kênh được đổ bê tông nhưng có đoạn to nhỏ khác nhau. Các đoạn kênh bị hư hỏng, đã sửa chữa bằng cách vá xi măng, nhìn nham nhở, mất thẩm mỹ.
Đặc biệt, khi PV Báo SGGP di chuyển dọc kênh dẫn nước của công trình thủy lợi này từ làng Vương Choét về làng Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê) thì phát hiện nhiều đoạn kênh được xây dựng rất thấp so với ruộng lúa, có đoạn chôn ngầm dưới đất. Cũng vì kênh xây thấp nên ruộng lúa của dân dọc kênh không lấy được nước.
Để có nước, nhiều hộ lấy ống nước bắc ngang kênh để dẫn nước từ ruộng cao xuống ruộng thấp; có hộ bắc ống để dẫn nước từ con suối dọc núi về ruộng.
Ông Siu Dong (làng Vương Choét) cho biết, hơn 1 năm trước, khi chưa xây dựng kênh dẫn, ruộng lúa của ông sản xuất bình thường, nước được ông lấy từ con suối cạnh núi theo con mương đất về ruộng. Khoảng 1 năm trở lại, kênh dẫn xây dựng qua khu ruộng nhưng do quá thấp nên ông không lấy được nước từ kênh này. Để có nước, ông bỏ khoảng 400.000 đồng mua một đoạn ống bắc nhang qua con kênh mới xây để dẫn nước từ suối dọc núi về ruộng.
Đặc biệt, có hộ phải hạ độ cao mặt ruộng để hi vọng nước từ kênh dẫn chảy vào ruộng nhưng nước vẫn không có.
Ông Đinh Hnơi (làng Keo) có 4ha ruộng nằm cạnh kênh dẫn. Hơn 1 năm trước, hay tin thủy lợi xây dựng, ông rất mừng vì ruộng có nước sản xuất. Tuy nhiên khoảng 1 năm trở lại, con kênh xây dựng qua khu lúa nhưng ngặt nỗi xây quá thấp nên nước không vào được ruộng. Ông Hnơi phải bỏ hơn 215 triệu đồng để thuê phương tiện hạ hơn 1m độ cao mặt ruộng cho diện tích 1ha với hi vọng để nước từ kênh có thể chảy vào ruộng nhưng nước vẫn không chảy vào được. Vì thế, mấy tháng nay, ông phải mượn máy bơm rồi bươm nước từ kênh dẫn thủy lợi vào ruộng lúa của mình.
“Biết rằng ruộng bị đào lớp mặt để hạ độ cao sẽ khiến chất dinh dưỡng trong đất sẽ ít đi nhưng cũng phải làm. Ai ngờ nước không vào được, phải mượn máy bơm để bơm, lại tốn thêm tiền nữa”, ông Hnơi nói.
Tương tự, khu ruộng của ông Đinh Nêm dù có kênh mương đi qua nhưng cũng khô khát. Ông Đinh Nêm nảy sinh ý tưởng dùng guồng quay nước đặt tại kênh dẫn để bơm nước lên ruộng.
“Guồng quay nước cấu tạo bằng sắt, bên trên có gắn ống nhựa để múc nước. Guồng múc chạy bằng sức nước, lắp được 1 tháng rồi. Gia đình em tôi bỏ ra 3,6 triệu đồng để chế tạo máy này đấy. Cũng do nước từ kênh dẫn không tự chảy vào ruộng nên mới chế tạo guồng múc”, ông Hnơi nói thêm.
Theo ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, Sở đi kiểm tra, những chỗ hư hỏng ở công trình thì đề nghị làm lại, thậm chí đề nghị làm bổ sung một số hạng mục cần thiết cho công trình dù trong thiết kế là không có. Quá trình kiểm tra, Sở NN-PTNT cảm thấy “chưa đến mức”, “trước mắt chưa thấy cái gì sai quá lớn” để kiến nghị thanh tra hay công an kiểm tra. Những gì khắc phục được thì cứ khắc phục, nếu sau này có chuyện gì sẽ kiến nghị thanh tra hoặc công an vào cuộc.
Trước đó, Báo SGGP đã phản ánh, Công trình thủy lợi Pleikeo dù chưa nghiệm thu bàn giao nhưng tại tuyến kênh dẫn xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, gãy đứt khiến dư luận vô cùng bức xúc và bày tỏ nghi ngờ về chất lượng công trình. Sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo cơ quan chức năng đi kiểm tra. Sở NN-PTTN Gia Lai đi kiểm tra, chỉ ra hàng loạt hư hỏng ở công trình.