Cách đó không xa, 2 sào ruộng lúa của ông Trịnh Văn Phú cũng chẳng khá hơn; những vạt lúa héo úa, cằn cỗi, xen lẫn nhiều cỏ dại. Ruộng ông Cơ và ông Phú nằm gần cuối cánh đồng Cây Đa Gò nên nước không tới được.
Ông Phú kể: “Hàng chục năm nay cánh đồng này chỉ dùng nước của con kênh KN5, nhưng chừng hơn 5 năm trở lại đây, kênh xuống cấp, sạt, hang cua nhiều, nước thẩm thấu ra ngoài hết nên mấy đám ruộng cuối kênh luôn trong tình cảnh thiếu nước. Nếu tình trạng này kéo dài 1 - 2 năm nữa, người dân sẽ phải bỏ ruộng hoang, vì tốn công, phân, thuốc nhưng hiệu quả không cao. Bình quân năng suất một vụ chưa đến 200kg lúa/sào”.
Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, thông tin: “Những vướng mắc trong phân cấp quản lý hệ thống kênh mương giữa địa phương với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc nâng cấp, sửa chữa kênh mương. Tại Điện An, hiện có 2 hệ thống kênh là KN4 và KN5. Theo quy định của tỉnh, kênh mương KN4 cung cấp nước cho trên 30ha lúa giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý; kênh KN5 cung cấp nước dưới 30ha do phường, thị xã quản lý. Tuy nhiên, thực tế diện tích các cánh đồng tại Phong Nhị (nơi hệ thống kênh mương KN5 cung cấp) đã gần 50ha, do đó hệ thống KN5 sẽ phải hoán đổi chuyển giao cho công ty quản lý, ngược lại mình sẽ quản lý kênh KN4. Khi nào có quyết định phân cấp lại của UBND tỉnh thì Điện Bàn mới có cơ sở lập dự án đầu tư bê tông hóa tuyến kênh được”.
Trả lời về việc kênh mương xuống cấp, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, cho hay: “Do kinh phí tu sửa nâng cấp kênh mương của công ty chỉ khoảng 10 tỷ đồng/năm, nên chủ yếu tập trung vào hệ thống các kênh chính (cấp 1, 2 và 3). Hiện cũng còn gần 40% kênh mương chưa được bê tông hóa. Riêng việc hoán đổi quản lý giữa kênh KN4 và KN5 tại phường Điện An, khi nào có quyết định của tỉnh, công ty sẽ tiếp nhận, đầu tư làm để bà con đủ nước canh tác. Còn hiện tại, về mặt pháp lý kênh KN5 vẫn do Điện Bàn quản lý, nên nếu có kinh phí thì thị xã cứ đầu tư làm trước”.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Điện An, cho biết: “Ước tính diện tích đất ruộng bị bỏ hoang tại cánh đồng Cây Đa Gò đã hơn 1ha và chắc chắn không dừng ở đó. Nước trạm bơm không thiếu, nhưng do kênh dẫn đắp bằng đất nên nước bị thẩm thấu, thất thoát hết, bây giờ chỉ còn cách nâng cấp bê tông hóa lại mới khắc phục được tình trạng này”. |