Rước họa vì tin thuốc “gia truyền”

Bất chấp những cảnh báo liên tục về mối nguy hiểm của thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhiều người bệnh vẫn tin lời quảng cáo vô căn cứ, để rồi gây họa cho chính sức khỏe của mình.

Một người bệnh bị suy thận được điều trị tại Bệnh viện Bình Dân do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Một người bệnh bị suy thận được điều trị tại Bệnh viện Bình Dân do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Nguy kịch vì loại thuốc bị cấm từ lâu

Cuối tháng 1, một người đàn ông 59 tuổi (ngụ quận 11, TPHCM) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng lơ mơ, vật vã, suy hô hấp, tụt huyết áp. Các xét nghiệm cho thấy, người bệnh nhiễm acid máu ở mức cực kỳ nguy kịch, tổn thương thận nặng (độ lọc cầu thận 29,1ml/phút/1,73m2). Người bệnh được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, đặt nội khí quản thở máy và lọc máu liên tục. Sau 48 giờ, tình trạng nhiễm acid máu và chức năng thận của người bệnh được cải thiện.

BS Trần Huy Nhật, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, song song với cấp cứu, các bác sĩ truy tìm nguyên nhân và biết được người bệnh sử dụng một loại thuốc tễ không nhãn mác trong thời gian dài. Kết quả giám định của Trung tâm Pháp y cho thấy loại thuốc mà người bệnh này sử dụng có chứa phenformin, hoạt chất điều trị tiểu đường đã bị cấm từ những năm 1970.

“Ngộ độc phenformin gây nhiễm acid máu nặng, suy thận nặng, nếu không cấp cứu kịp thời thì sẽ tử vong nhanh chóng. Đây không phải trường hợp hiếm hoi, có lúc trong một tháng, chúng tôi tiếp nhận 3-4 ca ngộ độc sau khi dùng thuốc tễ điều trị tiểu đường”, BS Trần Huy Nhật thông tin.

Thoát cửa tử, người bệnh bàng hoàng cho biết, đây là “thuốc gia truyền trị dứt điểm tiểu đường” mà người quen mua từ Bến Tre gửi lên. Bệnh viện Nhân dân 115 đã báo cáo vụ việc đến Sở Y tế TPHCM để cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.

Trước đó, tại tỉnh An Giang, người bệnh N.M.T. (sinh năm 1956) nhập viện trong trạng thái lơ mơ, có cơn ngưng thở, nhiễm toan lactic nặng, phải lọc máu liên tục. Nguyên nhân là do ông T. sử dụng thuốc “gia truyền” giảm đường huyết sau một thời gian.

Còn tại Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), vào tháng 8-2024, ông N.V.T. (43 tuổi) được đưa đến cấp cứu do biến chứng, ngưng tim 2 lần sau khi uống thuốc tiểu đường, nghi có thành phần phenformin.

Điểm chung của các trường hợp kể trên là đều mắc bệnh mạn tính lâu năm nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ mà lại tin và nghe theo quảng cáo trên mạng hoặc lời truyền miệng về các thuốc “gia truyền” trị dứt điểm bệnh tật.

Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) từng tiếp nhận một người bệnh ngụ tỉnh Long An, mắc ung thư cổ tử cung, bị phù toàn thân do dùng thuốc bột “gia truyền”. Thời gian đầu, những cơn đau do ung thư giảm rất nhanh, người bệnh ăn ngon, ngủ được. Tuy nhiên, sau vài tháng, người bệnh cạn kiệt sức lực, cơ thể tích nước, được chẩn đoán mắc hội chứng Cushing do lạm dụng corticoid trong thời gian dài.

Các bác sĩ nghi ngờ, có thể corticoid được trộn trong loại thuốc bột mà người bệnh này sử dụng. Bệnh viện Bình Dân vừa qua cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị suy thận nặng do bỏ điều trị theo phác đồ mà uống cỏ mực để chữa bệnh.

Không tự ý làm “bác sĩ”

Mối nguy hại từ sử dụng các loại thuốc trôi nổi, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chữa bệnh mạn tính (tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, ung thư…) được cảnh báo liên tục trong thời gian qua. Đặc biệt nguy hiểm là các loại thuốc “đội lốt” thuốc đông y, trộn hoạt chất cấm, chất độc hại đe dọa tính mạng người bệnh.

BS Trần Huy Nhật nhận định, tiểu đường là bệnh lý mạn tính phổ biến, cần sử dụng thuốc thích hợp và theo dõi định kỳ, kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hợp lý. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, một số người bệnh không tuân thủ điều trị, dễ dàng sập bẫy quảng cáo các phương thuốc “gia truyền”.

Thời gian qua, lợi dụng tâm lý của người dân tin dùng thuốc đông y, dược liệu, nhiều đối tượng đã lập đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả dưới dạng thuốc đông y có chứa tân dược.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, lưu ý, thuốc giả thường không chứa đủ hoặc không chứa các thành phần hoạt chất cần thiết, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Bên cạnh đó, các thành phần không rõ nguồn gốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm với người mắc bệnh mạn tính (như xương khớp, hen suyễn, tiểu đường, tim mạch) do việc sử dụng thuốc kéo dài.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh mạn tính, cần khám và theo dõi tại các cơ sở y tế, tuân thủ uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà bỏ việc điều trị, khiến các biến chứng ngày càng nặng nề.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp giám sát, bảo vệ người tiêu dùng trước ma trận quảng cáo, mua bán thuốc “gia truyền”, thuốc không nguồn gốc, xuất xứ... trên internet.

“Thuốc đông y giả, thuốc trôi nổi có thể được trộn các thành phần không rõ nguồn gốc, chất nguy hại nhưng người bệnh không hề hay biết, ảnh hưởng đến sức khỏe và cả sinh mệnh”, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục