Cũng như các vụ tấn công ở Pháp và Bỉ trước đây, hung thủ là những người sinh trưởng ngay tại các nước phương Tây nhưng có gốc từ các quốc gia Hồi giáo Trung Đông, với điểm chung là những thanh niên gần như không được thừa nhận ở cả quê cha và cả nơi họ sinh ra. Sẵn tâm lý bất mãn, thất vọng với cuộc sống, họ dễ bị lôi kéo vào các hành động cực đoan và nguy hiểm, nhất là từ lời kêu gọi của các nhóm khủng bố.
Tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại sân vận động Manchester Arena, Anh. Ảnh: REUTERS
Cha mẹ của Salman Abedi là Ramadan Abedi và Samia Tabbal. Ông Ramadan là thành viên của nhóm Chiến đấu Hồi giáo Libya (LIFG) có liên hệ với al-Qaeda chống lại Chính phủ của Tổng thống Libya Gaddafi, sau đó đã phải sang Anh lánh nạn năm 1993 và sinh Salman ở Manchester.
Cũng giống như các nhóm đối lập ở Tunisia, Ai Cập và Syria trước khi xảy ra Mùa xuân Arab, nhiều nhóm chống lại chế độ của Gaddafi ở Libya là thành viên của các tổ chức khủng bố như al-Qaeda. Trong khi đó, Anh và các nước phương Tây khác lại xem họ là nạn nhân bị đàn áp của ông Gaddafi.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi Ramadan đã trở lại Libya tham gia lật đổ Tổng thống Gaddafi vào năm 2011. Các nhóm Hồi giáo ở Libya, trong có nhóm LIFG của Ramadan đều mong muốn lật đổ ông Gaddafi để thành lập nhà nước Hồi giáo chính thống theo luật Shaw khắc nghiệt.
Báo chí Anh nhận định, nước Anh đã phải trả giá cho chính hành động bởi Chính phủ của Thủ tướng David Cameron trước đây. Tờ Daily Mail cho rằng, quyết định của NATO mở chiến dịch ném bom dữ dội Libya để giúp các phiến quân Hồi giáo lật đổ ông Gaddafi vào năm 2011 đã tạo ra đám mây độc hại cho nước Anh ngày nay. Cuộc không kích của NATO, trong đó có sự tham gia của Anh và nhiều nước châu Âu khác, được cho là để khôi phục nền dân chủ ở Libya nhưng mang lại hậu quả còn đáng sợ hơn.
Chính phủ Anh đã hoan nghênh và đón nhận những người tị nạn như là một phần trong chính sách cởi mở về chính trị với các nhà hoạt động Hồi giáo đối lập ở Libya. Nhưng chính nhiều người trong số họ không chỉ tiếp tục khuấy động cuộc nổi dậy ở quê hương họ mà cả tham gia bạo loạn ngay tại những nơi họ đến, trong đó có Anh. Các chính phủ liên tiếp của Anh đã làm ngơ trước sự phản bội này. Gia đình Abedi không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều tay súng gốc Libya từ Manchester và nhiều nơi khác ở Anh đã cùng trở lại Libya tham gia lật đổ Tổng thống Gaddafi. Riêng những người ở Manchester, hầu hết họ sống rất gần nhau. Cách nhà của Abedi chỉ một dặm là Abdal Raouf Abdallah, cũng đã bị tù giam trong 5 năm rưỡi vì tội khủng bố. Abdallah là một trong số những thanh niên người Anh gốc Libya tham gia lật đổ Gaddafi. Tuy nhiên, các công tố viên cho biết, người này đã tham gia tuyển chọn những người đàn ông khác ở Manchester để gia nhập các nhóm khủng bố ở Syria.
Tờ Daily Mail mỉa mai rằng nhờ có ông Cameron, cuối cùng gia đình của Ramadan Abedi có thể đắm mình trong các cuộc bạo động với số người chết mỗi ngày. Tờ báo này kết luận: Giống như trường hợp Thủ tướng Anh Tony Blair cáo buộc Tổng thống Iraq Saddam Husein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, Thủ tướng Cameron cũng không hiểu gì về tình hình Libya và không nghĩ đến hậu quả của sự can thiệp lật đổ Chính phủ Gaddafi.