Rừng xanh đa dụng, đa giá trị

LTS: Từ loạt bài Khởi sắc kinh tế rừng xanh (đăng trên báo SGGP số ra ngày 21, 22, 23-3) cho thấy, rừng Việt Nam hiện không chỉ có vai trò bảo vệ môi trường, mà còn là sinh kế, có thể giúp làm giàu nhờ phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm - khám phá… Rừng còn trực tiếp đem lại nguồn lợi tài chính khổng lồ nhờ chi trả dịch vụ môi trường rừng và bán tín chỉ carbon. Sau loạt bài, Báo SGGP đã nhận được ý kiến của các cấp quản lý, chuyên gia...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Trong rừng không chỉ có gỗ

CN1b.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Cần tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị kinh tế từ rừng. Tôi cho rằng, từ quan điểm thuê người dân giữ rừng, cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững. Đó là lý do vì sao định nghĩa rừng đa dụng ra đời. Theo tôi, rừng không chỉ là giá trị kinh tế, giá trị môi trường mà còn là giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, tín ngưỡng ngàn đời của bà con. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi. Thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, có lẽ cần ngồi lại với nhau để cùng liên kết, đầu tư, hợp tác với người trồng rừng, tạo ra một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị: Phát triển rừng đa dụng

Giá trị kinh tế mà rừng cũng như ngành lâm nghiệp đem lại mỗi năm là rất lớn, không chỉ thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản mỗi năm hơn 13 tỷ USD, mà còn thể hiện ở tính đa dụng của rừng. Gần đây, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29-2-2024 phê duyệt Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong mục tiêu cụ thể là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn (đảm bảo đến năm 2030 đáp ứng tối thiểu 80% gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ).

Nguyen Quoc tri.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị

Đề án cũng đặt mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, phấn đấu nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% (so với năm 2020) vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Việc phát triển các loại hình du lịch để khai thác tiềm năng kinh tế rừng ở miền Trung cũng như miền Bắc và Tây Nguyên, khai thác các giá trị văn hóa bản địa, phát triển các sản vật, sản phẩm OCOP từ rừng… là một trong những hướng đi đa dạng để phát huy tính đa dụng của rừng.

Đề án mà Chính phủ vừa phê duyệt cũng yêu cầu cơ quan chức năng, các địa phương hướng dẫn các chủ rừng xây dựng, tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái; đánh giá tác động, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đối với công tác quản lý rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác giữa chủ rừng với cộng đồng địa phương; bảo tồn, phát huy tri thức bản địa và truyền thống văn hóa, đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng đối với cộng đồng địa phương...

Một giá trị kinh tế khác mà rừng đang mang lại cho chính những người trồng rừng, chủ rừng là việc thu (hưởng) dịch vụ môi trường rừng và bán tín chỉ carbon của rừng. Rừng Việt Nam có đặc tính mà rừng nhiều nước không có, đó là rừng cây gỗ lớn, lá rậm và thường xanh nên sức hấp thụ carbon rất tốt. Nhờ vậy, lần đầu tiên chúng ta đã đàm phán thành công để thí điểm chuyển nhượng 10,3 triệu tấn tín chỉ carbon rừng cho 6 tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ. Thời gian theo cam kết là 5 năm (2018-2024) nhưng theo thông báo của đối tác, chỉ sau 2 năm (2018-2019) chúng ta đã đáp ứng đủ 10,3 triệu tấn tín chỉ này. Phần dư thừa của các năm 2020-2024, các đối tác, tổ chức quốc tế sẽ xem xét để chuyển nhượng tiếp.

Theo tính toán của chúng tôi, mỗi năm rừng của chúng ta hấp thụ được khoảng 70-80 triệu tấn carbon, trong đó trừ lượng phát thải do chính lĩnh vực lâm nghiệp tạo ra như: khai thác, trồng rừng, cháy rừng, phá rừng… (mỗi năm cũng chỉ “tiêu” hết khoảng 30 triệu tấn) thì còn dư khoảng 40-50 triệu tấn hấp thụ carbon. Nếu cứ bán với giá carbon tự nguyện là 5USD/tấn như hiện nay thì mỗi năm ít nhất chúng ta cũng có 200 triệu USD. Đây là số tiền phần lớn chi trả cho người trồng rừng, nên có thể nói, người trồng rừng sẽ hưởng một nguồn thu đáng kể.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT): Tìm thêm cơ hội chuyển nhượng tín chỉ carbon

Mặc dù việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng tại khu vực Bắc Trung bộ mới chỉ lần đầu thí điểm, nhưng mở ra tiềm năng cho cả một ngành kinh tế rừng - kinh tế xanh của Việt Nam. Bộ NN-PTNT đang tích cực rà soát, đàm phán để chuyển giao tín chỉ, tạo nguồn thu cho người trồng rừng tại các địa phương. Chẳng hạn, đối với 2 khu vực là Nam Trung bộ và Tây Nguyên, được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại COP26, Bộ NN-PTNT đã ký kết ý định thư với Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) về chuyển nhượng tín chỉ carbon.

Tran Quang Bao.jpg
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) Trần Quang Bảo

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF khoảng 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu là 10USD/tấn. Diện tích rừng tham gia chương trình dự kiến 4,26 triệu ha (chiếm khoảng 29% diện tích rừng cả nước). Liên minh LEAF được tài trợ bởi 4 quốc gia gồm: Anh, Mỹ, Na Uy, Hàn Quốc và hơn 25 tập đoàn, đến nay đã huy động được nguồn tài chính khoảng 1 tỷ USD, nhằm giảm phát thải và chống suy thoái rừng tại các nước nhiệt đới. Việt Nam là nước tiên phong tham gia vào cam kết tổ chức này.

Để triển khai thỏa thuận, hiện nay, Bộ NN-PTNT đã tiến hành các bước đàm phán kỹ thuật, ký kết ý định thư. Các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đã tiến hành tham vấn quốc tế tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, sau đó sẽ tiến tới bước đàm phán về giảm phát thải. Đây là tín hiệu tích cực để huy động thêm được một nguồn tài chính ngoài ngân sách hỗ trợ cho cộng đồng người trồng rừng. Ngoài khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, hiện nay, các tổ chức quốc tế còn quan tâm tới các khu vực rừng khác của Việt Nam như rừng ở trung du và miền núi phía Bắc, rừng ngập mặn. Bộ NN-PTNT sẽ xin ý kiến Thủ tướng để xây dựng kế hoạch chuyển nhượng các kết quả giảm phát thải này, vừa đảm bảo vai trò quốc gia trong cam kết giảm phát thải, vừa huy động tài chính hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam: Rừng là “mỏ vàng” của du lịch Việt

Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch thiên nhiên sinh thái khi có hơn 180 khu bảo tồn, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên… đặc biệt có 11 khu dự trữ thiên nhiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tiềm năng phát triển du lịch thiên nhiên, sinh thái, cộng đồng của Việt Nam là rất lớn.

Nguyen Anh Tuan.jpg
TS Nguyễn Anh Tuấn

Tuy nhiên, tiềm năng lớn nhưng trong quá trình phát triển vừa qua, việc khai thác du lịch tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn… chưa được đầu tư khai thác tương xứng; cách thức chủ yếu mang tính tự phát. Thêm nữa, mặc dù giá trị khai thác tại các vùng đệm, vùng lõi là rất lớn nhưng việc khai thác cho du lịch vẫn còn lúng túng do cơ chế chính sách cho phát triển du lịch ở những khu vực này còn hạn chế, chưa rõ ràng.

Theo quan điểm hiện nay của quốc tế là phát triển phải gắn với bảo tồn, đặc biệt ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Về nguyên tắc, các tổ chức quốc tế khuyến nghị việc bảo tồn theo hướng vị nhân sinh. Nghĩa là bảo tồn phải tạo ra sinh kế, việc làm cho người dân, mang lại thu nhập cho người dân, cho địa phương từ chính vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển… Thực tế, yêu cầu về nguồn lực dành cho bảo tồn rất lớn, không thể cứ lấy ngân sách ra phục vụ cho việc này mà cần phải có các phương án khai thác để có nguồn thu từ chính các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển… dành cho công tác bảo tồn cũng như tạo ra nguồn thu cho địa phương.

Để làm được như vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ của một số bộ, ngành liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ VH-TT-DL… đề xuất cơ chế chính sách mang tính đột phá, vừa phát triển, vừa bảo tồn, phát huy. Đây mới là cách thức phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như du lịch quốc gia. Chỉ bảo tồn không mà không tính đến việc mang sinh kế, việc làm cho người dân thì khó có nguồn lực để duy trì bảo tồn.

Tin cùng chuyên mục