Hạ độc thông bằng hóa chất
Đi trên quốc lộ 14, đoạn qua 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), không khó để nhìn thấy cảnh tượng hàng chục ngàn cây thông 30 - 40 năm tuổi (đường kính 30cm - 60cm) đã bị tàn phá, hủy hoại và dần chết khô. Nếu trước đây, dọc trên tuyến quốc lộ này là những cánh rừng thông xanh ngút ngàn thì giờ đây chỉ còn lại những vạt rừng manh mún, loang lổ da báo, nằm đan xen với nhà dân và những vườn hồ tiêu, cà phê.
Ghi nhận tại đoạn qua thôn 10, xã Nâm N’Jang, hàng trăm cây thông đang héo khô, chết dần. Kiểm tra những cây thông chết này, chúng tôi phát hiện đa số đều bị khoan lỗ dưới phần gốc. Tương tự ở bon Păng Sim, xã Trường Xuân, chúng tôi phát hiện hàng trăm cây thông đang dần héo úa, dưới gốc cũng có những lỗ khoan, dấu nhựa thông chảy ra còn khá mới. Tính từ đầu xã Trường Xuân đến cuối xã Nâm N’Jang, suốt quãng đường gần 30km dọc theo quốc lộ 14, hầu như đoạn nào cũng có cảnh thông chết. Khu vực ít thì có vài cây, khu vực nhiều thì có hàng trăm cây thông đang chết đứng.
Theo UBND huyện Đắk Song, rừng thông phòng hộ cảnh quan dọc quốc lộ 14, đoạn qua địa bàn huyện được các lâm trường quốc doanh trồng từ năm 1982-1984, có tổng diện tích khoảng 416ha. Trong đó, UBND huyện đã giao cho 87 cá nhân, hộ gia đình, tập thể quản lý, bảo vệ với diện tích gần 350ha rừng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 5 vụ tàn phá rừng thông với diện tích thiệt hại hơn 3ha (1.159 cây). Mới đây, Công an huyện Đắk Song đã bắt và khởi tố 6 đối tượng có hành vi phá rừng thông trên quốc lộ 14 với diện tích lớn. Hành vi của các đối tượng là lợi dụng thời điểm đêm khuya vào rừng thông khoan lỗ, đổ hóa chất vào 1.159 gốc thông để đầu độc cây với mục đích để chiếm đất mặt tiền và đất sản xuất. Vụ việc đang được Công an huyện Đắk Song mở rộng điều tra xử lý.
Không riêng rừng phòng hộ cảnh quan trên tuyến quốc lộ 14, rừng phòng hộ trên quốc lộ 28 đoạn quan huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Đặc biệt, tại khu vực đoạn qua các xã Quảng Sơn và xã Đắk Ha (huyện Đắk G’long), việc tàn phá rừng thông diễn ra rất phức tạp. Theo UBND xã Quảng Sơn, trong tháng 10-2019, Ban Lâm nghiệp của UBND xã này đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành kiểm tra, đo đếm và ghi nhận có hơn 6,6ha đất bị phá, 1.400 cây thông bị ken, vạt vỏ, khoan lỗ đổ hóa chất.
Trách nhiệm thuộc về chủ rừng
Ông Phan Văn Hợp, Bí thư Huyện ủy huyện Đắk Song, cho biết trong thời gian qua, tình trạng phá rừng trên tuyến quốc lộ 14 diễn ra rất phức tạp. “Rừng phòng hộ cảnh quan trên tuyến quốc lộ 14 tiếp giáp với mặt đường, điều kiện đi lại dễ dàng, dễ tiếp cận nên rất khó quản lý. Hầu hết các vụ ken cây, đổ hóa chất hủy hoại rừng thông đều được các đối tượng thực hiện vào ban đêm nên rất khó phát hiện, ngăn chặn.
Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, địa phương đã thành lập 2 đoàn công tác để kiểm tra toàn diện công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng phòng hộ, cảnh quan ven quốc lộ 14 và quốc lộ 28, qua đó làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. N ội dung kiểm tra gồm: Công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng; việc tổ chức thực hiện các ý kiến, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng; đề xuất các chính sách, giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực; tham mưu, đề xuất cho cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm (nếu có). Công tác kiểm tra phải hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 31-12-2019. |
Về giải pháp khắc phục tình trạng phá rừng nói trên, Huyện ủy Đắk Song đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, công tác quản lý nhà nước về đất đai và dân cư. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất rừng, phá rừng để răn đe.
“Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường công tác triển khai quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ cảnh quan trên quốc lộ 14. Thu hồi các quyết định giao đất, giao rừng đối với tập thể, cá nhân để rừng bị lấn chiếm. Xử lý triệt để các nhà tạm của người dân làm trên rừng phòng hộ cảnh quan. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo các ngành chức năng, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác trồng rừng với phương châm “chết một cây trồng lại hai cây” để khôi phục lại cánh rừng này”, ông Hợp khẳng định.