Tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai, trừ các dự án liên quan quốc phòng an ninh quan trọng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực thi lệnh đóng cửa rừng, tình trạng phá rừng tại Tây Nguyên vẫn diễn ra phức tạp.
Lâm tặc ngang nhiên
Những ngày cuối tháng 4, nhờ một người địa phương dẫn đường, chúng tôi tiếp cận đồi Chư Jú rồi tiến sâu vào khu vực rừng thuộc xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Một “công trường” khai thác gỗ khổng lồ hiện ra với nhiều bãi tập kết với hàng chục lóng gỗ được xẻ hộp nằm chờ để vận chuyển. Gỗ còn rất mới, chứng tỏ mới bị chặt phá. Lần theo những bãi gỗ là những gốc cây cổ thụ mới bị “xẻ thịt”, gốc ứa nhựa, lá còn xanh. Xuôi về ngã ba sân bay dã chiến (xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), rẽ trái rồi xuyên qua những con đường mòn thì phát hiện những vạt rừng bị “xẻ thịt”, sau đó đốt lửa để lấy đất sản xuất, khói bốc ngùn ngụt.
Đi dọc đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Sơn Lang (huyện Kbang), hàng loạt cây gỗ quý bị lâm tặc cắt khúc, xẻ lóng, cưa hộp mang đi, chỉ để lại bìa. Những cây gỗ này chưa được đánh dấu kiểm tra và điều đáng nói, gỗ bị đốn hạ nằm sát đường, nơi nhiều người qua lại, khiến dư luận bức xúc về sự ngang nhiên của lâm tặc.
3 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 178 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm 19 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Tại Kon Tum, theo các báo cáo của Sở NN-PTNT Kon Tum, năm 2017, số vụ vi phạm được phát hiện là 568 vụ với khối lượng gỗ vi phạm là hơn 2.709m³ gỗ tròn, quy tròn các loại và diện tích thiệt hại là 10,440ha. Quý 1-2018, số vụ vi phạm phát hiện là 139 vụ; khối lượng vi phạm hơn 413m³ gỗ quy tròn các loại, diện tích rừng thiệt hại 4,93ha.
Còn tại Đắk Lắk, sau lệnh đóng cửa rừng, nhiều vụ phá rừng, vận chuyển gỗ lậu vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó, nghiêm trọng nhất là đường dây khai thác, vận chuyển gỗ lậu của Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, thị trấn Ea T’Linh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Ngày 27-4, các đơn vị của Bộ Công an đã bắt quả tang 2 xe gỗ lậu với khối lượng gần 40m³ của Phượng “râu”. Kiểm tra nhà và kho xưởng của Phượng “râu”, công an phát hiện hàng trăm khối gỗ nhiều chủng loại và 4 cuốn sổ ghi lại quá trình làm ăn của Phượng, trong đó Phượng đã chung chi cho nhiều cán bộ.
Thiếu quyết liệt
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng, về khách quan, diện tích rừng hiện còn rất lớn, phân bố ở địa hình phức tạp, chia cắt nhiều, tập trung ở những khu vực phòng hộ xung yếu và rất xung yếu, khu vực biên giới khó quản lý. Điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, kéo theo nhu cầu đất ở, đất sản xuất, gỗ làm nhà tăng đã tạo áp lực lên tài nguyên rừng. Về mặt chủ quan, năng lực tổ chức quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng, UBND xã và kiểm lâm địa bàn còn hạn chế, chưa đủ mạnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau và với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng còn hạn chế...
Còn theo ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn xảy ra ở Tây Nguyên do nguyên nhân như: sức ép về phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tăng, trong khi nguồn tài nguyên ngày càng hạn hẹp; chính quyền cơ sở chưa quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa chỉ đạo quyết liệt trong công tác bảo vệ rừng; công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp còn bộc lộ nhiều yếu kém và chậm triển khai trên thực tế, nhất là chủ trương xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng; việc quản lý các cơ sở chế biến gỗ, các tụ điểm mua bán lâm sản kém hiệu quả; cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên chưa đủ mạnh…
Cũng theo ông Đỗ Quang Tùng, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025 (hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Theo đó, đề xuất các giải pháp gồm: bảo vệ rừng, ngăn chặn phá rừng, giải quyết lấn chiếm đất; nâng cao nhận thức và tư duy quản lý của đội ngũ cán bộ; tăng cường quản lý nhà nước về rừng, tổ chức thực thi nhiệm vụ, gương mẫu kỷ cương cán bộ… Ngoài ra, đề án sẽ xây dựng mỗi tỉnh một dự án ưu tiên để bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững.
“Tuy nhiên, ở góc độ địa phương, để bảo vệ được rừng, các địa phương cần có giải pháp, hành động quyết liệt để ngăn chặn ngay tình trạng phá rừng. Trước mắt, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các yêu cầu của Chỉ thị số 13-CT/TW với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng. Trong đó, phải tập trung xử lý dứt điểm các tụ điểm buôn bán trái phép lâm sản; triệt phá các đầu nậu, kẻ chủ mưu phá rừng; làm trong sạch đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ rừng do địa phương quản lý …”, ông Tùng nói.
Điều tra vụ tuồn gỗ nằm ngoài hồ sơ vào gỗ vật chứng vụ án
Ngày 3-5, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đắk Tô giao ngành chức năng điều tra, xử lý đối với 84m³ gỗ không phù hợp với hồ sơ vi phạm mà Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô đã kéo gom, vận chuyển về bãi tập kết.