Rừng Sác sống lại

Rừng Sác sống lại

Người dân Cần Giờ gọi tên khu rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam này là rừng Sác. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, khu rừng ấy trở thành mái nhà của những người con anh hùng xứ Nam bộ. Rồi bom, chất độc hóa học của Mỹ dội xuống hủy diệt rừng. Cứ tưởng rừng đã chết nhưng phép lạ đã xảy ra...

  • Phép lạ của dân tộc Việt
Rừng Sác sống lại ảnh 1

Từ cầu Dần Xây, ông Khôi dõi mắt theo vạt rừng Cần Giờ.

Rừng Sác trong chiến tranh chống Mỹ là căn cứ địa của Đoàn 10 đặc công anh hùng với những trận đánh kho xăng Nhà Bè, phá kho bom Thành Tuy Hạ, đánh chìm hàng trăm tàu chiến... khiến Mỹ-ngụy kinh hoàng. Vì vậy, Mỹ quyết tâm “lột da” rừng Sác. Từ năm 1964 đến năm 1970, Mỹ liên tục rải xuống rừng Sác hơn 1 triệu gallons chất khai quang, trong đó có hơn 4 triệu lít chất độc màu da cam. Rừng Sác gần như bị xóa sổ, biến thành “sa mạc mặn” mênh mông. Giữa thập kỷ 70 của thế kỷ 20, các nhà sinh thái học người Mỹ chứng kiến tình trạng thê thảm của khu rừng đã nhận định: “Cần khoảng 100 năm mới phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ!”.

Năm 1978, sau một thời gian tiếp quản Sài Gòn, Thành ủy và UBND TPHCM quyết định khẩn trương khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ. Sau các chuyến điều tra, khảo sát thực địa và nghiên cứu rừng ngập mặn ở Cà Mau, Bến Tre..., cây đước được chọn để trồng trên đất Cần Giờ. Phục vụ công trình khổng lồ này, lực lượng lao động lên đến 6.000 người gồm: 500 dân địa phương, 5.000 học viên cải tạo từ thành phố xuống và 500 thanh niên xung phong.

Ngoài 10.000ha rừng tự tái sinh, để trồng 20.000ha còn lại một phương án đặc biệt được đưa ra với mục tiêu phấn đấu trồng từ 2.000-3.000ha/năm thay vì 200ha/năm như ban đầu. Đến năm 1998 đã phủ xanh khắp 30.000ha diện tích rừng. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đánh giá đây là mô hình trồng rừng bằng sức lực con người độc đáo nhất trên thế giới. Năm 2000, tổ chức UNESCO công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là “Khu dự trữ Sinh quyển của thế giới”.
Rừng xưa đã tái sinh hệt như một phép lạ!

  • Rừng nuôi người

Rừng trở lại kéo theo sự hình thành các quần xã động-thực vật. Hầu hết các loài thực vật chủ yếu của rừng ngập mặn Đông Nam Á đều có mặt tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhiều loài động vật đã tìm về đây cư trú, sinh sôi phát triển. Đàn khỉ đuôi dài tại Cần Giờ hiện đã lên đến 700 con, dơi nghệ khoảng 500 con, sân chim Vàm Sát có khoảng 2.000 con thuộc 26 loài. Doanh thu từ du lịch hàng năm đạt 40-80 tỷ đồng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương và hạn chế nạn chặt phá rừng. Sản lượng thủy sản thu hoạch mỗi năm gần 40.000 tấn, đem lại nguồn thu nhập 500 tỷ đồng. Rừng ngập mặn Cần Giờ là “lá phổi xanh” của thành phố như nhiều người ví von.

  • Người yêu rừng

Vóc dáng gầy guộc, giọng Nam bộ nhỏ nhẹ, bóng dáng người đàn ông ấy đã quen thuộc với anh em kiểm lâm của khu rừng Cần Giờ. 28 năm theo sát công trình trồng rừng Cần Giờ, với tiến sĩ Lê Văn Khôi, đó là tình yêu không mệt mỏi, là tâm huyết và thành tựu lớn nhất trong đời ông. Tốt nghiệp Tiến sĩ Sinh vật học tại Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad (Liên Xô cũ), ông về nước công tác ở Hà Nội một thời gian thì chuyển vào Phân viện Khoa học miền Nam tại TPHCM.

Năm 1978, khi thành phố chỉ đạo thực hiện dự án khôi phục rừng Cần Giờ, ông Khôi nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Lâm trường Duyên Hải với chức danh Phó Giám đốc. Cần Giờ sau chiến tranh là mảnh đất “5 không”: không điện, không nước, không người, không cơ sở vật chất, không an ninh. Đích thân ông len lỏi đến các cánh rừng ngập mặn ven biển Nam bộ tìm hiểu tình hình sinh thái và các giống cây trồng.

Để tìm phương án trồng rừng đạt năng suất cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ. Để kích thích tinh thần làm việc của người trồng rừng, ông Khôi quyết định trả công cho họ bằng phương án “5 khoán”: khoán giống (phải trồng 50kg giống/ha); khoán chất lượng (trồng cây ba lá mới nghiệm thu); khoán diện tích; khoán vùng; khoán theo cự ly (vùng khó, vùng xa-sâu tiến hành trồng trước, vùng dễ và gần thì trồng sau). Phương pháp này tỏ ra có hiệu quả, chỉ trong 3 tháng đầu năm 1978, Lâm trường Duyên Hải đã trồng được trên 4.000ha, gây bất ngờ lớn cho lãnh đạo thành phố.

Năm 2000, ông Khôi được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2005, công trình “Khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ” của tiến sĩ Lê Văn Khôi và nhóm tác giả đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. 100 triệu đồng tiền thưởng từ giải này được ông và tập thể tác giả hiến tặng Hội Khuyến học huyện Cần Giờ. 67 tuổi và đã về hưu rồi nhưng ông vẫn đáp xe xuống thăm rừng Cần Giờ 3 tháng/lần để theo dõi diễn biến và sự tăng trưởng của cánh rừng một thời ông gắn bó.

HỒNG LOAN

Tin cùng chuyên mục