Những gian khó của đời sống đã ảnh hưởng đến từng căn bếp, từng bữa cơm... dường như chưa quá xa. NSND Nguyễn Hữu Phần nhớ như in những tiêu chuẩn gạo ngày ấy. Đạo diễn được 13,5kg/tháng vì "các ông chỉ ngồi chỉ đạo, có làm gì đâu". Tổ đạo diễn bất bình quá, mời mấy ông lương thực xuống trải nghiệm cho biết, thế là thấy vất vả quá sức, thế là được nâng tiêu chuẩn lên 17,5kg/tháng. Còn quay phim thì thi nhau xin làm "công nhân quay phim" vì công nhân được tiêu chuẩn 21kg/tháng, "thuốc lá sáng tác" được tiêu chuẩn 10 bao.
Vì gian khó mà đã nảy sinh vô vàn sáng kiến để xoay xở bữa cơm gia đình. Từ những việc đòi hỏi một sự can đảm nhất định như buôn tem phiếu đến những tiểu tiết như : Quấn vải sạch vào đầu đũa, nhúng một lớp mỡ bôi mỏng khắp chảo để xào rán, lấy lá chuối lót lên chảo để rán đậu không sát, không cháy trong điều kiện không có mỡ...
Nhà báo Tuyết Nhung nhớ lại: "Chỉ có bà đẻ hoặc đến tết mới được ăn nước mắm loại tốt, còn thường sẽ là loại 2, mùi nồng nặc. Các mẹ phải cho lên đun nước mắm, hoà nước và muối vào để bớt mùi. Mỗi lần có nhà nào đun nước mắm thì cả khu khổ... Gạo mốc, phải vo 2-3 giá: giá 1 để nhặt thóc, cỏ lồng vực, giá 2 để nhặt sạn. Bát cơm gạo trắng là mơ ước của cả một thời".
Đại diện cho thời bao cấp với tem phiếu, gạo mậu dịch là các món cơm độn: Cơm độn khoai, độn sắn, độn mì sợi, hạt bo bo. Rất nhiều người thuộc câu hát chế về thời bao cấp "bo bo độn mì, tiền lương mỗi tháng 5 hào".
"Thời đó, mỗi lần cầm phiếu xếp hàng nhận thực phẩm ở hợp tác xã, xách về cục thịt toàn mỡ, ba tôi gọi đó là áo thun quần xà lỏn (bởi phần mỡ nhiều hơn phần thịt), hay mảnh da heo là chuyện rất thường. Mẹ tôi cắt da thành miếng nhỏ, ướp nước mắm mang đi kho. Lúc nào tôi cũng tự hào khoe với hàng xóm, mẹ tôi kho da heo ngon nhất thế giới" - nhà báo Ngô Thiên Chương kể.
Cũng từ đó, hình thành những thói quen đến tận bây giờ dù đã đủ đầy: ăn cơm với nước dưa, phở ăn kèm với cơm nguội. Những đặc sản chỉ có ở thời bao cấp: bánh bao nhân su hào xào, bánh trôi nhân đường phên mật mía, bột mì luộc, bánh nắp hầm, hành mỡ phi thơm lừng, rồi cho muối vào rang thành món ăn...
Những ký ức khó quên về căn bếp, về những bữa cơm gia đình như một phần kỷ niệm mãi khắc sâu và theo suốt những năm tháng trưởng thành. Bếp là nơi chốn ấm cúng của đời người, là mối bền chặt của sợi dây gia đình. Cùng nhau ôn lại những ký ức bếp xưa cũng chính là để một lần nữa nhắc nhớ về giá trị của tình thân, của gia đình.