Nhà văn Bình Nguyên Lộc để lại một di sản đồ sộ với khoảng 50 tiểu thuyết và 1.000 truyện ngắn. Rừng mắm là tuyển tập gồm 15 truyện ngắn của nhà văn hóa Nam bộ này, trong đó ta có thể tìm thấy bốn cảm hứng chủ đạo có mặt xuyên suốt bề dày sáng tác của Bình Nguyên Lộc: cội nguồn, ngôn ngữ, di dân và cõi âm.
Nguồn cảm hứng trên, kết hợp với văn phong đậm chất Nam bộ và đầy tình cảm của nhà văn, đã dệt nên câu chuyện về những người bám đất, kẻ khai hoang, và nỗi lưu luyến với người xưa cảnh cũ. Dư âm đọng lại là nỗi nhớ thương to lớn dành cho đất đai và con người của quê hương, khiến người đọc ai cũng ngậm ngùi khó tả.
Rừng mắm nguyên là một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, in lần đầu trong tập Ký thác (năm 1968), được chọn là truyện mở đầu và chủ đạo trong tập truyện này. Truyện kể về một gia đình ba thế hệ, vì nghèo không có đất nên lưu lạc tới xứ U Minh (Cà Mau) để khai phá. Nơi định cư mới bên bờ rạch được họ đặt tên là Ô Heo vì ban đầu là hang ổ của heo rừng và thú dữ. Vùng đất không người đó vừa khắc nghiệt lại vừa rất nên thơ qua con mắt của cậu thiếu niên tên Cộc, hứa hẹn rằng những đắng cay mà gia đình Cộc phải chịu lúc này sẽ đem lại ngọt bùi khi người dân tứ xứ theo chân họ đến đây lập nghiệp, mở ra một tương lai xán lạn.
Chỉ qua một truyện ngắn, Bình Nguyên Lộc như tái hiện một phần lịch sử vùng Nam bộ buổi khai hoang, khi những người Việt đầu tiên tìm đến thuần hóa đất đai. Khi đó, nơi này chẳng phải là vùng trù phú mà vô cùng khắc nghiệt, sinh kế gian nan. Đó là một “cái xó không người” với “khí hậu tàn ác”: “nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy”.
Nếu ở Rừng mắm, Bình Nguyên Lộc kể về lớp người mở đất, thì ở Bám níu, ông lại hướng về những người bám đất. Thông qua hoạt động hứng cá, tát vũng bắt cá của dân quê miền Đông Nam bộ khi qua mùa nước lũ, ông nói lên thông điệp về việc giữ đất quê hương. Mở đất và giữ đất, thuần hóa đất hoang và biến đổi đất nghèo, ông cha ta ngày xưa và chúng ta ngày nay đã, đang và sẽ tiếp tục công việc này, góp phần vào công cuộc mở nước và giữ nước.
Trong tập truyện này, rất nhiều lần Bình Nguyên Lộc bày tỏ niềm nhớ tiếc đối với cảnh cũ và người xưa. Những truyện ngắn: Xe lửa Mỹ bung vành, Hồn ma cũ, Tình thơ dại, Chiếc khăn kỷ niệm, Tiếng thời gian, Hương gây mùi nhớ… được viết theo chủ đề này.
Như mọi sáng tác khác của Bình Nguyên Lộc, tập truyện này cũng thể hiện rõ niềm hứng thú, yêu thích mãnh liệt của nhà văn đối với ngôn ngữ và tập quán của dân tộc, đặc biệt là người dân Nam bộ. Ông say mê ghi chép lại tiếng nói địa phương và cách sinh hoạt địa phương, mô tả đầy trìu mến những khung cảnh gắn liền với lối sống một thời.
Không chỉ là những cảnh, những từ đặc trưng, những hoạt động được mô tả trong nội dung, chính lời văn của Bình Nguyên Lộc cũng là một nguồn tư liệu phong phú về ngôn ngữ dân gian Nam bộ. Chữ và văn của ông đậm chất đời, rặt lời ăn tiếng nói của người dân miền Nam. Ý và văn hòa quyện, khiến cho khung cảnh trở nên sống động, khiến cho cái tình trên trang giấy dễ dàng thấm vào lòng người.