Tại sự kiện này, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, năm trước, Ngày Quốc tế về rừng lấy chủ đề là “Rừng với sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Còn chủ đề của Ngày Quốc tế về rừng năm 2023 là “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”.
Đại diện FAO đánh giá, Việt Nam là quốc gia tiên phong về sức khỏe rừng và có vị trí thuận lợi để dẫn đầu khu vực và toàn cầu về mục tiêu này. Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ đối với ngành lâm nghiệp và là chất xúc tác để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Còn theo ông Phạm Hồng Lượng, Chánh văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Việt Nam luôn là quốc gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết, ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng các nhà lãnh đạo của các quốc gia đưa ra Tuyên bố về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị COP26. Tuyên bố này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, bảo tồn các hệ sinh thái, phục hồi, phát triển rừng bền vững, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Đại diện FAO cũng cho biết, trong những năm qua, FAO đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy ngành lâm nghiệp lành mạnh và bền vững. Từ năm 2009, cùng với UNDP và UNEP, FAO đã hỗ trợ giảm mất rừng và suy thoái rừng thông qua chương trình UN-REDD nhằm giảm phát thải trong ngành lâm nghiệp, cải thiện cơ chế sử dụng đất, kiểm kê phát thải carbon, quản lý rừng bền vững bằng lâm nghiệp cộng đồng và chứng chỉ rừng, nhất là trong giao đất và bảo đảm quyền sử dụng đất.
FAO cam kết giữ vai trò đối tác lâu dài của Chính phủ Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ vì những khu rừng khỏe mạnh ở Việt Nam.