Thiệt hại lớn về người và của
Dữ liệu vệ tinh của Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) cho thấy, các đám cháy rừng khắp các bang California, Oregon và Washington của Mỹ đang lan rộng dữ dội hơn từ hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình thời gian gần đây. Do hệ thống áp suất mạnh, khói từ các đám cháy bị “ép lại” dọc theo khu vực miền Tây Bắc Mỹ trong nhiều ngày khiến chất lượng không khí ở các thành phố lớn như Portland, Oregon, Vancouver và San Francisco có nguy cơ bị ảnh hưởng.
CAMS cho biết, theo dõi quá trình di chuyển bụi khói từ đám cháy cho thấy chúng đã bay xa tới 8.000km về phía Đông, tới tận Bắc Âu. Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng là do trái đất ấm dần lên. Ước tính, các đám cháy đã phát thải hơn 30 triệu tấn CO2 kể từ giữa tháng 8 vừa qua, thiêu rụi gần 2 triệu ha rừng trên khắp miền Tây nước Mỹ - tương đương diện tích gần bằng bang New Jersey, cướp đi sinh mạng khoảng 35 người.
Nhà chức trách Mỹ cảnh báo, bang California đang đối mặt với những thiệt hại nặng nề do cháy rừng, đặc biệt khi thời tiết hanh khô kết hợp gió mạnh trong những ngày tới khiến hàng chục đám cháy ở bang này bùng phát dữ dội hơn. Các chuyên gia dự báo, tình trạng cháy rừng hoành hành ở Mỹ trong năm 2020 sẽ gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hơn 20 tỷ USD.
Trong khi đó, nhà chức trách Mỹ cảnh báo khói từ các đám cháy rừng có thể khiến tình hình dịch Covid-19 trong nước thêm phức tạp do người dân sơ tán buộc phải lưu trú trong các cơ sở tập trung đông người, không đảm bảo về giãn cách xã hội. Ngoài ra, hít khói bụi từ đám cháy còn khiến tình trạng viêm phổi ở các bệnh nhân mắc Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn, làm suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh.
“Lá phổi” thế giới đang bị tàn phá
Trong khi đó, mùa cháy năm nay ở vùng rừng Amazon của Brazil cũng tồi tệ hơn thường lệ khi các đám cháy đã bắt đầu lan vào các khu vực rừng nguyên sinh. Trong tuần đầu tiên của tháng 9, hơn 8.000 vụ cháy đã được báo cáo, khoảng 1/4 trong số đó là ở các khu vực hoang sơ chưa được phát quang hoặc sử dụng làm đất nông nghiệp. Theo ông Matt Finer, Giám đốc Tổ chức bảo tồn phi chính phủ Amazon, những đám cháy rừng này đang “đốt cháy một lượng lớn hệ thực vật trên khắp Amazon của Brazil”.
Cùng với tình trạng cháy rừng, nạn phá rừng tại Amazon cũng đang ở mức báo động. Một nhóm 8 quốc gia châu Âu gồm Đức, Pháp, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy, Anh và Bỉ đã lên tiếng hối thúc Chính phủ Brazil “hành động thực sự” để đối phó với nạn phá rừng đang ngày càng gia tăng tại khu rừng nhiệt đới Amazon thuộc nước này.
Nhóm Liên minh các Tuyên bố Amsterdam do Đức đứng đầu trước đó 1 ngày đã gửi thư tới Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourão bày tỏ lo ngại của các nước châu Âu trước việc Brazil đang ngày càng “thụt lùi” trong vấn đề bảo vệ môi trường so với trước đây, nhấn mạnh xu hướng phá rừng ngày càng tăng tại Brazil đang khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư khó đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, xã hội.
Nhóm 8 nước châu Âu trên bày tỏ kỳ vọng về một cam kết chính trị mới và chắc chắn từ phía Chính phủ Brazil để giảm nạn phá rừng, thể hiện qua các biện pháp cụ thể và kịp thời.
Theo số liệu sơ bộ của Chính phủ Brazil, nạn phá rừng Amazon đã tăng 34,5% trong vòng 12 tháng, tính tới thời điểm tháng 7. Các nhà bảo vệ môi trường quy trách nhiệm cho Tổng thống Jair Bolsonaro, người đưa ra các chính sách khuyến khích sự phát triển trong vùng Amazon để đưa khu vực này thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, các chính sách này cũng làm gia tăng hoạt động của lâm tặc, chủ trang trại và những kẻ đầu cơ đất bất hợp pháp. |