Người dân quanh Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, bức xúc phản ánh: dự án được công bố sẽ nuôi dưỡng, tái tạo rừng nhưng sau 10 năm, hàng trăm hécta rừng đã “bốc hơi” và hàng ngàn hécta đất trở nên hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất đai vô cùng lớn.
Hoang tàn “siêu” dự án
Dự án khu Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt) tại huyện Đức Trọng, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) vào tháng 10-2010 với quy mô gần 3.600ha đất, trong đó diện tích thuê rừng trên 1.050,5ha, tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng (1 tỷ USD). Đây là một trong những dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được triển khai tại Lâm Đồng.
Mục tiêu khi xin giấy phép đầu tư thì rất “hoành tráng” như: xây dựng một khu dân cư - đô thị cao cấp, hiện đại, sinh thái, kết hợp chức năng tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trung tâm nuôi trồng đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển, tái tạo diện tích rừng tự nhiên... Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ đưa dự án vào sử dụng.
Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 12-2024, ngay từ cổng vào khu vực dự án, chúng tôi chứng kiến cảnh tiêu điều, hoang tàn. Những tấm bảng quảng cáo về dự án có kích thước rộng hàng trăm mét vuông đã nhuốm màu thời gian, bạc thếch không được thay thế, những thông tin về dự án cũng phai dần theo thời gian không thể đọc được. Sau nhiều năm, Công ty Sài Gòn Đại Ninh mới chỉ đầu tư xây dựng được một số đoạn đường giao thông nội bộ, trạm dừng chân, nhà làm việc cho chuyên gia, hội trường… nhưng hiện đều bỏ hoang vì không ai lui tới. Ông Nguyễn Văn Bảy (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) cho biết: “Trước đây xe cộ lui tới tấp nập từng đoàn dài. Giờ thì im bặt, trong khu đó chỉ có người đi làm vườn thôi”.
Từ tái tạo rừng thành… phá rừng
Diện tích lớn, đầu tư nhỏ giọt theo kiểu “xí” đất để “sang tay”, không khó hiểu khi dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt liên tục để xảy ra tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất. Như tại khoảnh 1, tiểu khu 363A (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng), nơi vốn là rừng thông 2 lá sau đó đã bị người dân lấn chiếm, canh tác cà phê, mắc ca với diện tích lớn. Tình trạng này lặp đi lặp lại tại nhiều khu khác nhau thuộc dự án do công ty không có phương án quản lý, bảo vệ rừng (không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng).
Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, đến nay, chủ đầu tư đã để “mất” hơn 368ha rừng do bị phá, lấn chiếm. Từ dự án được kỳ vọng sẽ là khu đô thị sầm uất nghỉ dưỡng phía Nam Đà Lạt, nơi đây trở thành khu vực để người dân thi nhau “xâu xé”, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rừng bị “bốc hơi”, những giá trị tài nguyên môi trường bị lãng phí, không biết đến khi nào mới khôi phục được.
Quá trình thanh tra việc sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 đến 2018, Thanh tra Chính phủ xác định Công ty Sài Gòn Đại Ninh có nhiều vi phạm nên tháng 6-2020 đã kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án trên.
Tuy nhiên, vào năm 2020, khi mua lại dự án, ông Nguyễn Cao Trí (một đại gia sở hữu nhiều bất động sản ở TPHCM, nhưng hiện đang “bóc lịch” vì tội chiếm đoạt tài sản) đã hối lộ hàng loạt quan chức, để “bẻ lái” kết luận thanh tra từ “phải thu hồi” trở thành cho “giãn tiến độ” thực hiện dự án. Ngay sau đó, Trí “sang tay” cho Công ty Novaland với giá 27.600 tỷ đồng và bỏ túi 2.700 tỷ đồng. Vừa qua, hàng loạt quan chức đã vướng lao lý vì dự án này.
Ngang nhiên chiếm gần 3ha đất công để kinh doanh
Nhiều bạn đọc ở phường Phước Long A, Phước Bình, TP Thủ Đức (TPHCM) phản ánh, không biết được ai “chống lưng” mà nhiều cá nhân ngang nhiên chiếm gần 3ha đất công viên, đất hành lang sông tại Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc để làm nhà hàng, sân bóng, bãi tập kết cát, bãi chứa container…
Ông Trần Ngọc Mỹ, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Địa ốc 10 thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), bức xúc nói: “Họ ngang nhiên chiếm dụng đất công viên để kinh doanh trái phép phá vỡ quy hoạch và làm hư hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng trong khu dân cư”. Công ty cổ phần Địa ốc 10 được TPHCM giao đầu tư hạ tầng cho toàn Khu đô thị Bắc Rạch Chiếc, TP Thủ Đức, có diện tích hơn 30ha từ năm 1997.
Việc lấn chiếm ở đây đã diễn ra nhiều năm, doanh nghiệp có hơn 15 văn bản báo cáo, trình bày cho các cơ quan thẩm quyền. Thậm chí, những cá nhân lấn chiếm đã bị UBND TP Thủ Đức hai lần ra quyết định xử phạt về hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, nhưng đến thời điểm này (tháng 12-2024), nhà hàng vẫn nhộn nhịp thực khách, sân bóng vẫn hoạt động, bãi chứa vẫn đầy container…
Theo ông Trần Ngọc Mỹ, tại văn bản mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc 10 kiến nghị Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ có ý kiến đến các cơ quan ban ngành hỗ trợ xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm đất công để xây dựng, kinh doanh trái phép, tránh gây lãng phí tài sản công.
Tại cuộc họp với UBND phường Phước Long A, TP Thủ Đức, ông Hoàng Thành Chung thừa nhận, hiện đang quản lý, khai thác và thu lợi bất chính trên phần đất lấn chiếm. Không những thế, ông Chung còn “giao một phần cho ông Đào Văn Khánh khai thác sân banh, bãi cát, nhà hàng…” trên khu đất lấn chiếm!
Không chỉ bị lấn chiếm làm nhà hàng, sân banh, Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc còn bị ông Nguyễn Thanh Tuyền lấn chiếm toàn bộ khu công viên, vỉa hè và một số nền đất tại dự án để làm… bãi chứa container.
Như vậy, hiện công viên vui chơi giải trí, công viên ven sông và tuyến kè gia cố bờ Rạch Chiếc thuộc dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc đang bị lấn chiếm toàn bộ để làm quán ăn, sân banh, bãi chứa container…
Trung An