Biển chết lan rộng
NOAA cho biết nhân tố quan trọng gây ra vùng biển chết rộng lớn trong năm nay là lượng mưa lớn vào mùa xuân cao hơn nhiều mức bình thường, tại nhiều nơi trên châu thổ sông Mississippi, tạo ra lưu lượng nước kỷ lục, cuốn trôi ra biển nhiều phù sa và dưỡng chất khác tại hạ nguồn con sông khổng lồ này.
Mức độ tập trung cao dưỡng chất tại các vùng biển cửa sông làm cho tảo biển lan nhanh. Khi loại thực vật ngắn ngày này chết và phân hủy trong lòng biển, chúng tiêu thụ ôxy từ đáy biển trong một khu vực rộng lớn song song với bờ biển, trải dài từ bang Luisiana tới bang Texas, Mỹ. NOAA ước tính diện tích vùng biển cạn kiệt ôxy hiện đã lên tới 20.200km² và có thể đạt tới diện tích 22.560km² trong thời gian tới, gần bằng con số kỷ lục 22.700km² ghi nhận được vào năm 2017.
Cách đây gần 20 năm, một nhóm nhà khoa học đa ngành tại 12 trong tổng số 31 bang ven sông Mississippi đã đề ra mục tiêu giảm diện tích trung bình (tính theo năm) của “vùng biển chết” ngoài vịnh Mexico từ 15.000km² xuống còn 4.900km². Tuy nhiên, nhiều nhà môi trường cảnh báo rằng xu hướng tăng dần đều diện tích trung bình của khu vực cạn kiệt ôxy nói trên không đổi từ vài năm qua, và mục tiêu trên sẽ không bao giờ đạt được nếu không có những bước đi quyết liệt.
Rừng tàn nhanh chóng
Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) công bố bản phân tích mới nhất cho thấy tốc độ phá rừng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa đã tăng đột biến với ít nhất 50 triệu ha rừng đã bị phá. Từ năm 2010, diện tích trồng đậu tương trong rừng mưa nhiệt đới Amazon tại Brazil đã tăng 45% để nuôi động vật lấy thịt. Sản lượng dầu cọ đã tăng 75% tại Indonesia kể từ đầu thập niên này, trong khi sản lượng ca-cao tăng 80% tại Bờ Biển Ngà.
Bà Cécile Leuba, chuyên gia phụ trách về rừng của Greeanpeace, cho biết sản lượng đậu tương của Brazil tăng gấp 4 lần trong 20 năm qua. Hơn 95% loại hạt này được sản xuất tại 2 nền kinh tế lớn nhất và thứ 3 Mỹ Latinh là thực phẩm biến đổi gen. Đậu tương của Brazil chiếm 39% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng trên của EU; tiếp đến là Argentina (29%), Mỹ (15%) và một số nước khác (15%).
Theo báo cáo của Greenpeace, 3/4 lượng đậu tương EU mua về dành cho ngành chăn nuôi gà công nghiệp, gà đẻ trứng và heo. Trong khi đó, nuôi bò lấy sữa và lấy thịt tiêu thụ lần lượt chiếm 16% và 7% lượng đậu tương nhập khẩu.
Chuyên gia của Greenpeace cho biết châu Âu cấm sản xuất thực phẩm GMO và cấm sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, song lại cho phép nhập khẩu lượng lớn các mặt hàng này từ thị trường khác vào khối.
Kể từ năm 1990 đến nay, việc sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ trên 1 đơn vị diện tích đã tăng hơn 170% tại Argentina và Brazil. Hơn 1/3 lượng thuốc trừ sâu Brazil cho phép nông dân sử dụng không được EU phê duyệt, trong đó bao gồm carbofuran và paraquat cũng như atrazine và imazethaccor.
Hoạt động sản xuất đậu tương để làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt phục vụ xuất khẩu sang EU, khiến tình trạng phá rừng Amazon ngày một tăng, đặc biệt tại vùng sinh thái Cerrado của Brazil và khu vực biên giới Gran Chaco giữa Argentina, Bolivia và Paraguay.
Theo số liệu thống kê, diện tích rừng Amazon bị chặt phá tại Brazil đã lên tới mức báo động hơn 7.900km², cao gấp 5 lần diện tích thành phố Sao Paulo. Trong giai đoạn từ tháng 8-2017 đến tháng 7-2018, tình trạng phá rừng tại Amazon đã tăng 13,7%, tương đương diện tích của 1 triệu sân bóng đá.