Ngoài các giá trị về sinh học, lịch sử và cảnh quan, rừng bần Tuần Lễ còn góp phần chống biến đổi khí hậu, ngăn xâm nhập mặn, giữ nước ngọt, chắn sóng và gió bão. Chúng tôi đến thôn Tuần Lễ, vô cùng bất ngờ khi rừng bần cổ thụ năm nào đã biến mất, thay vào đó là hàng loạt ngôi nhà mọc lên. Xen kẽ những ngôi nhà, nền đất là những cây bần già bị “bức tử” đã khô cành lá, chết dần chết mòn vì nắng, thiếu nước. Ngoài những ngôi nhà kiên cố, ở đây vẫn đang tiếp tục phân lô, đắp hàng loạt nền đất tại khu vực rừng bần để làm nhà bán.
Theo một cán bộ bảo vệ rừng của xã Vạn Thọ, trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao huyện Vạn Ninh lên phương án bảo vệ rừng bần. Gần 20ha rừng bần tại đây đã được quy hoạch, phân vùng; gần 500 cây bần cổ thụ đã được đánh số, treo biển theo dõi, khoanh nuôi, trồng dặm bổ sung. Rừng được giao khoán cho các hộ dân trong thôn quản lý, mỗi hộ 0,5ha. UBND xã Vạn Thọ cũng đã thành lập 6 tổ bảo vệ rừng với hơn 30 người. Người dân nhận khoán được trả tiền giao khoán rừng, các tổ bảo vệ cũng được cấp kinh phí hàng năm để hoạt động.
Ngoài ra, UBND xã Vạn Thọ cũng đã kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ rừng bần gồm 6 thành viên, trong đó có một Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng; kinh phí hoạt động của tổ là 17 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, việc bảo vệ rừng chỉ được duy trì trong một thời gian, dần bỏ ngỏ và gần như bị buông lỏng. Theo UBND huyện Vạn Ninh, thời điểm địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng bần năm 2016, tại xã Vạn Thọ có 18ha rừng bần. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay rừng đã bị xóa sổ.
Người dân địa phương cho biết, rừng bị phá nhanh vì năm 2018 có tình trạng sốt đất tại “đặc khu” Vân Phong, nhiều đối tượng đã lấn rừng bần chiếm đất, đổ đất san nền phân lô, làm nhà. Theo thống kê của các hộ dân Tuần Lễ, từ tháng 6-2019 đến nay, khu rừng bần có 27 ngôi nhà xây dựng mới, tổng cộng đến nay có khoảng trên 150 căn nhà tại đây. Ngoài ra còn có gần 100 nền đất đã được san, phân lô rao bán với giá 400-500 triệu đồng/nền.
Vậy nhưng, đại diện UBND xã Vạn Thọ cho rằng, 90% diện tích rừng bần nơi đây biến mất là do cơn bão tháng 11-2017 tàn phá. “Tuy không có kinh phí bảo vệ rừng, nhưng địa phương vẫn cử lực lượng tuần tra, canh gác ngày đêm để bảo vệ rừng. Việc lấn chiếm đất rừng bần xây nhà chủ yếu là do người dân cơi nới xây thêm để ở. Địa phương cũng tổ chức các đợt cưỡng chế, nhưng tình trạng phức tạp, rất khó khăn và tốn kém”, một lãnh đạo xã Vạn Thọ nói.
Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh khẳng định, những gì dân phản ánh là đúng. “Tuy nhiên để xem xét trách nhiệm và có câu trả lời cụ thể, hiện chúng tôi đã cho kiểm tra”, ông Phẩm thông tin.