Rủi ro từ mua sắm trực tuyến

Trong bối cảnh lượng người mua sắm trực tuyến tăng mạnh ở Australia thời gian gần đây, giới chuyên gia nước này đã đưa ra cảnh báo về một loạt rủi ro đem lại cho người mua hàng theo hình thức này.
Khách hàng mua sắm trực tuyến đối mặt với nhiều rủi ro
Khách hàng mua sắm trực tuyến đối mặt với nhiều rủi ro

Dù tăng đều đặn trong thập niên qua, mua sắm trực tuyến thực sự bùng nổ tại Australia khi biện pháp phong tỏa chống đại dịch Covid-19 được áp đặt ở xứ sở chuột túi. Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, việc mua sắm trực tuyến đã tăng gần gấp 3 lần trong thời kỳ đại dịch.

Tiến sĩ Louise Grimmer, nhà nghiên cứu về tiếp thị tại Trường Kinh doanh và Kinh tế thuộc Đại học Tasmania, cho biết: “Trước đại dịch, chỉ có khoảng 40% người tiêu dùng Australia mua sắm trực tuyến. Giờ đây, con số đó đã tăng lên rõ rệt. Khoảng 50% người tiêu dùng hiện thường xuyên mua sắm trên mạng”. 

Theo Tiến sĩ Grimmer, nhiều nhà bán lẻ đã tăng thêm nhiều dịch vụ, lợi ích để lôi kéo khách hàng, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Theo đó, các trang web bán lẻ trực tuyến thường thưởng cho khách hàng phiếu giảm giá, ưu đãi hoàn tiền và đãi ngộ đặc biệt. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần biết rằng, những cửa hàng này cũng có thể đang thu thập dữ liệu cá nhân của họ và theo dõi các hành vi mua sắm trực tuyến của họ.

“Hầu hết các nhà bán lẻ ngày nay, dù lớn hay nhỏ, đều có một số loại chương trình khách hàng thân thiết, nơi bạn cung cấp thông tin của mình như cung cấp địa chỉ email của bạn và bạn có thể nhận lại được thứ gì đó. Bạn phải cung cấp một số thông tin cá nhân và họ sẽ theo dõi những gì bạn làm trên trang web, Tiến sĩ Grimmer nói.

Cơ sở dữ liệu chứa thông tin khách hàng có thể được doanh nghiệp sử dụng cho các mục đích tiếp thị, kiếm tiền hợp pháp hoặc được bán cho các doanh nghiệp bên thứ ba khác (nếu được phép theo thỏa thuận người dùng). Tuy nhiên, thông tin này cũng thu hút tội phạm mạng, tin tặc. Chúng tìm cách sử dụng nó để thu lợi riêng vì thông tin cá nhân có thể được bán trên thị trường chợ đen để kiếm lời.

Một rủi ro khác của mua sắm trực tuyến là khách hàng gặp phải các cửa hàng trực tuyến giả do những kẻ lừa đảo thiết lập, để lấy cắp tiền hoặc danh tính của người mua hàng. Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng (ACCC) Australia Delia Rickard giải thích: “Những kẻ lừa đảo thiết lập các cửa hàng giả mạo trên internet hoặc trên các phương tiện truyền thông xã hội. Họ thường quảng cáo sản phẩm với giá rất thấp, hoặc nói quá về lợi ích của sản phẩm so với sự thật”.

Bà Rickard cảnh báo, nếu trang web yêu cầu các phương thức thanh toán không phổ biến hoặc bất thường, chẳng hạn như chuyển khoản ngân hàng, tiền điện tử hoặc chứng từ, thì rất có thể đó là hành vi gian lận.

Theo bà Rickard, những kẻ lừa đảo trực tuyến, thường xuyên mạo danh các tổ chức của Australia để xây dựng uy tín. Vì vậy, những người mua sắm trực tuyến nên tham khảo trang web Scamwatch của ACCC để tìm hiểu về các trò lừa đảo trực tuyến phổ biến, hoặc báo cáo và nhận trợ giúp.

“Ngoài Scamwatch, chúng tôi có một sản phẩm khác gọi là Sách đen về lừa đảo nhỏ đã được dịch sang 10 ngôn ngữ khác nhau. Hãy liên hệ với ngân hàng ngay lập tức nếu bạn bị lừa đảo”, bà Rickard cho hay. 

Tiến sĩ Grimmer cũng khuyến nghị người mua sắm trực tuyến nên kiểm tra kỹ xem trang web mà họ đang truy cập có uy tín hay không, trước khi chuyển thanh toán hoặc thông tin cá nhân.

“Bạn có thể nhìn thấy trên trang mạng của mình nơi bạn có URL của nhà bán lẻ. Hãy bảo đảm rằng có biểu tượng ổ khóa nhỏ vì đó là một trang web an toàn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện một số tìm kiếm trên web để kiểm tra đó là một cửa hàng nổi tiếng, có nhiều người khác đã mua sắm ở đó và có trải nghiệm tốt. Bạn có thể xem những thứ như đánh giá và xếp hạng”, Tiến sĩ Grimmer gợi ý.

Những người mới tham gia mua sắm trực tuyến nên tham khảo ý kiến của gia đình hoặc bạn bè của họ, để đảm bảo rằng nền tảng mua sắm mà họ đang sử dụng là đáng tin cậy.

Tin cùng chuyên mục