Sau lời mời tìm bạn đồng hành đam mê trekking (đi bộ dài ngày du lịch mạo hiểm dã ngoại ngoài trời ở những nơi hoang dã) của người tự nhận là “leader” (người chỉ huy) cùng lịch trình đăng tải trên một hội nhóm phượt Facebook, nhiều bạn trẻ rần rần vào, kết nối tìm “xế”, tìm “ôm”…
Mặc lời khuyến cáo của một thành viên bình luận rằng: “Mùa này mưa sấp mặt, leo chi cho nguy hiểm các bạn ơi?”, nhiều bạn trẻ khác vẫn vô tư: “Mưa gió gì tầm này?”, “Thèm quá trời đất quỷ thần ơi, lên đường thôi”. Một số bạn vào đăng ký: “Cho mình 1 suất nha! Xe đơn. Số điện thoại của mình…, mình ở quận 5”; “Lên xe, ai đi đăng ký nào? Có tuyển ôm không á?”; “Có xế rồi, yên sau đang trống nhé, cần thêm 1 ôm”…
Anh Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) tìm vào các nhóm phượt trên mạng xã hội sau khi được bạn giới thiệu các nhóm du lịch kiểu vậy. Sau lời rủ rê ở góc tìm đồng đội trên một nhóm phượt kín đi Vũng Tàu, Tùng đăng ký đi luôn. Anh kể: “Mình không quen bất cứ ai, kể cả leader. Chỉ bình luận tham gia 1 suất trên đó và được dặn sáng thứ bảy ra vòng xoay Hàng Xanh là gặp đoàn. Tới nơi, cũng tầm 18 người đi chung 9 xe. Mình được leader phân lên 1 xe chưa có người ngồi sau. Rồi vậy mà cứ thẳng tới Vũng Tàu. Xăng thì xế và ôm tự chia”.
Theo lời Tùng, cung đường các bạn đi là dọc ven biển Vũng Tàu. Người dẫn đường chỉ thông báo cứ chạy thẳng, khoảng mấy giờ gặp nhau ở điểm nào đó như cây xăng, siêu thị rồi chờ nhau 10 phút, xe nào đi trễ quá thì… kệ luôn. Vậy là các bạn trẻ không hề quen biết nhau cứ thế mà chạy sát nút cho kịp. “May đợt rồi xe mình chạy kịp chớ không cũng bị bỏ lại, tại có số điện thoại ai đâu. Cũng phải nói rằng, tụi mình đóng tiền so với đi du lịch thì khá rẻ và được bạn leader lo vụ ăn uống ổn. Bản thân mình không có nhu cầu tìm hiểu sâu nên cũng chả xin số điện thoại ai hay kết bạn Facebook làm gì”, Tùng nói.
Cũng như Tùng, nhiều bạn trẻ kết đoàn đi chơi dã ngoại cắm trại, đi phượt, đi trekking… như một trào lưu thông qua mạng xã hội. Chỉ cần vào Facebook, gõ tìm kiếm “phượt” sẽ cho ra hàng loạt nhóm như thế này. Nếu gặp được một nhóm tốt thì chuyến đi sẽ rất đáng nhớ, còn không thì chỉ là cuộc chơi tạm bợ và tiềm ẩn rủi ro.
Cẩn trọng
Dễ dàng có bạn đồng hành, không sợ cô đơn thế nhưng kiểu lập team đi du lịch qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu như trước đây, những người dày dạn kinh nghiệm mới dám đứng ra tổ chức các chuyến đi thì nay ai cũng có thể làm, dù kinh nghiệm không có bao nhiêu. Thậm chí leader còn trở thành một nghề kiếm tiền chứ không chỉ hướng tới chia sẻ trải nghiệm như trước. Có nhiều người thu tiền bạn đồng hành tham gia một cách vô tội vạ, thiếu minh bạch; có trường hợp cầm tiền trốn luôn dẫn đến việc tố nhau lừa đảo. Rồi mặc cho những khuyến cáo khi đi rừng, vẫn tổ chức nhóm đi chơi.
Đi về sau chuyến leo núi Chứa Chan, bạn Hồ Quốc Nam (32 tuổi) đăng tải trên Facebook lời khuyến cáo: “Mùa này các bạn leo núi, trekking trên này phải nhớ thiệt cẩn thận nhé. Lần trước mình leo Chứa Chan lúc trời mưa, mình thấy có nhiều con rết to, còn phát hiện rắn lục nữa, nằm trên bụi cây ngay đường đi luôn. Thôi sau này ai rủ rê đi rừng leo núi kiểu này xin chừa”.
Những chuyến trekking ở Tà Năng - Phan Dũng hay các tour đi thác, đi ghềnh từ các nhóm bạn xa thiếu sự gắn kết đã từng xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Đã có người đi lạc, mất đi mạng sống… Chưa nói đến kỹ năng sinh tồn, kỹ năng đi trekking của các bạn trẻ. Chính yếu tố thiếu sự kết nối, quan tâm, ai cũng tự đi, mặc kệ nhau, tới khi nhìn lại thì quá muộn, là một phần dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Anh Lê Minh (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng, không nên đi du lịch khi mọi người đều xa lạ. “Tôi chỉ đi với nhóm bạn bè, còn đi kiểu ghép không quen biết thì không. Giới trẻ bây giờ thoáng, dễ dàng kết bạn và tìm kiếm những người cùng chia sẻ cảm xúc trong vài ba ngày, không muốn ràng buộc nhưng cũng phải cảnh giác lừa đảo hoặc gặp yêu râu xanh núp bóng mê du lịch”, anh chia sẻ.
Nếu trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống một cách hời hợt, chỉ ham “check in”, rồi vèo vèo đi và đối mặt với nhiều rủi ro thì rõ ràng, người trẻ cần phải suy nghĩ kỹ.