Rủi ro khi mua sắm trực tuyến

Phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc cho biết họ thường xuyên nhận hàng kém chất lượng, không giống như quảng cáo khi đặt mua hàng trực tuyến.

Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được rao bán tràn lan trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phức tạp và gia tăng. Phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc cho biết họ thường xuyên nhận hàng kém chất lượng, không giống như quảng cáo khi đặt mua hàng trực tuyến.

Hàng giả, hàng nhái tràn lan

Theo báo cáo về lĩnh vực TMĐT vừa được Bộ Công Thương công bố, năm 2023, với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD.

Có thể thấy, trong suốt những năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16%-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.Tuy nhiên, mua sắm trực tuyến trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi tình trạng hàng giả, hàng nhái rao bán trên sàn TMĐT ngày càng nhiều. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 72.031 vụ, phát hiện, xử lý 52.390 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 16% so với năm 2022). Ghi nhận tại một số sàn TMĐT, mạng xã hội lớn như Lazada, Shopee, TiKi, Facebook…, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, tinh vi, tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, gia dụng, đồ điện tử...

z4c-8720.jpg
Nhiều thiết bị công nghệ nhái các thương hiệu nổi tiếng được rao bán trên các sàn thương mại điện tử

Các đối tượng thường mở các gian hàng khuyến mãi, quảng cáo hàng chính hãng để tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng và xóa chứng cứ rất nhanh, gây khó cho cơ quan quản lý. Là người thường xuyên mua hàng trực tuyến, chị Đỗ Thị Hạnh (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) không phủ nhận những tiện ích từ hình thức mua hàng này. Tuy nhiên, mua hàng trực tuyến đối diện với nguy cơ rủi ro vì có thể mua hàng giả, hàng nhái, thậm chí đã trả tiền nhưng không nhận được hàng. “Trong đợt 12-12 vừa qua, tôi đặt mua một số loại mỹ phẩm trên sàn L., với tổng số tiền hơn 2 triệu đồng. Người bán cam kết là hàng chính hãng, nhưng thực chất là hàng nhái thương hiệu”, chị Hạnh kể.

Tương tự, chị Trần Thiên Vũ (ngụ quận 6, TPHCM) cũng thường xuyên đặt các loại mỹ phẩm, đồ điện tử trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, rất nhiều lần chị mất tiền oan vì chỉ khi sử dụng mới biết đây là sản phẩm kém chất lượng, nhái thương hiệu; khi chị liên hệ lại thì shop không phản hồi, một số sản phẩm đã bị xóa khỏi gian hàng.

Xử phạt mạnh tay

Các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thường có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng. Đấu tranh với kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT sẽ khó khăn, phức tạp hơn so với kinh doanh hàng giả, hàng nhái theo hình thức truyền thống, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng để tránh bị rơi vào mặt trái của TMĐT.

Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, chia sẻ, hiện nay, việc người tiêu dùng gặp phải tình trạng mua hàng giả, kém chất lượng trên các “chợ mạng” rất nhiều. Điều này gây tổn hại không nhỏ về mặt vật chất cho người tiêu dùng và niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Nguyên nhân là do việc quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chính sách đổi trả hay hoàn trả lại tiền các trang web bán hàng còn nhiều bất cập, thậm chí một số mặt hàng người mua không được đồng kiểm. Đặc biệt, hội gặp rất nhiều trường hợp mua hàng giả, hàng nhái nhưng do việc khiếu nại tốn nhiều thời gian, trong khi giá trị món hàng không cao nên nhiều người chấp nhận không khiếu nại hoặc bỏ cuộc giữa chừng.

Theo luật sư Bùi Thị Lệ Hằng, Đoàn Luật sư TPHCM, việc buôn bán hàng giả là hành vi trái pháp luật, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tang vật, tước giấy phép kinh doanh; bị buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp, tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường. Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn,. “Đối với tình trạng buôn bán hàng giả tràn lan trên các sàn TMĐT như hiện nay thì trách nhiệm thuộc về cả người bán hàng và các sàn TMĐT.

Nếu sàn TMĐT có hành vi tiếp tay cho vi phạm thì sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi: không có cơ chế kiểm tra, giám sát sản phẩm; việc cung cấp thông tin của người bán trên website TMĐT hoặc ứng dụng di động chưa chính xác…”, luật sư Bùi Thị Lệ Hằng thông tin.

Để có căn cứ khiếu nại và yêu cầu bồi thường, người tiêu dùng cần giữ nguyên hiện trạng của sản phẩm có dấu hiệu là hàng giả cùng các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ. Trường hợp đã sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng (gây ngộ độc, thương tích...) hoặc làm hư hỏng các tài sản khác, người tiêu dùng cần giữ lại các tài liệu chứng minh có thiệt hại, như: chẩn đoán của bệnh viện, đơn thuốc, biên lai thu tiền khám chữa bệnh, hóa đơn sửa chữa… và báo ngay cục quản lý thị trường của địa phương để xử lý.

Tin cùng chuyên mục