Theo kết quả nghiên cứu của Tạp chí Nature Climate Change (NCC) công bố hồi cuối tháng 5, quyền sở hữu của hơn 43.000 tài sản thuộc về ngành dầu khí có thể bị ảnh hưởng do quy định cắt giảm khí thải. Trong số này, các cá nhân sở hữu hơn một nửa số tài sản rủi ro. Đáng chú ý là có cả những người dùng lương hưu và tiền tiết kiệm đầu tư vào các quỹ liên quan đến dầu khí.
Vào năm 2015, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ký Thỏa thuận Paris, cam kết giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2oC so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ toàn cầu tăng đã gây ra các đợt nắng nóng chết người và làm trầm trọng thêm các trận cháy rừng.
Các nghiên cứu cho thấy các mối nguy sẽ tăng lên khi lượng phát thải khí nhà kính, chủ yếu từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiếp tục tăng. Hiển nhiên là việc đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris đòi hỏi một quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch. Đó cũng là lý do nhiều quốc gia đang phát triển các chính sách về khí hậu nhằm khuyến khích chuyển dịch sang năng lượng sạch hơn.
Nhưng ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn đang khởi động các dự án nhiên liệu hóa thạch mới. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres gọi làn sóng gần đây của các dự án dầu khí mới là “sự điên rồ về đạo đức và kinh tế”. Trong bối cảnh đó, khi số tiền đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí mới bị mắc kẹt, khoản tiền hoàn vốn mà chủ sở hữu dự kiến thu về sẽ không có, chứ chưa nói đến tiền lãi.
Nghiên cứu nói trên của NCC đã mô hình hóa nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch có thể giảm như thế nào nếu các chính phủ thực hiện tốt các cam kết giảm phát thải. Theo đó, NCC nhận thấy rằng, khoảng 1,4 ngàn tỷ USD tài sản dầu khí trên toàn cầu bị ảnh hưởng trong vòng 5 năm tới, và nhà đầu tư cá nhân bị thiệt hại nặng nề hơn các công ty dầu khí. Trên toàn cầu, hiện không ít các quỹ lương hưu đầu tư trực tiếp vào các công ty dầu khí có nhiều khả năng bị rủi ro.
Hiện tại, với giá dầu và khí đốt gần mức cao kỷ lục do các vấn đề về chuỗi cung ứng và cuộc xung đột ở Ukraine, các công ty dầu khí đang trả cổ tức rất tốt. Về nguyên tắc, mọi cổ đông đều có thể bán bớt số cổ phần nắm giữ trong tương lai gần để kiếm lời.
Nhưng điều đó không có nghĩa là rủi ro biến mất, mà sẽ giống như một trò chơi chuyền bóng. Người cuối cùng đang giữ bóng sẽ bị thua. Và vì các nhà đầu tư giàu có nhất có “đội hình đầu tư” tinh vi, họ có thể nhanh chóng bán cổ phiếu kịp thời. Ngoài ra, các nhà đầu tư quyền lực có thể vận động thành công để đòi bồi thường, như đã xảy ra nhiều lần ở Mỹ và Đức. Chỉ còn lại các nhà đầu tư kém nhanh nhạy hơn phải chịu thiệt hại.