Nguy cơ hiện hữu
Sau gần 6 tháng kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 đợt chào bán TPDN trái phép trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đến nay các nhà đầu tư vẫn chưa được hoàn tiền. Đại diện Tân Hoàng Minh đã có nhiều cuộc làm việc với nhà đầu tư để đưa ra hướng giải quyết, nhưng họ vẫn không thể cung cấp thông tin về lộ trình trả tiền cho nhà đầu tư dù vẫn cam kết 100% tiền trái phiếu thu được từ nhà đầu tư sẽ được hoàn trả.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty An Đông, thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 2018-2019 phát hành 3 lô TPDN trị giá khoảng 25.000 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, dự kiến đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024. Hiện Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), một trong những đơn vị tư vấn phát hành TPDN của Công ty An Đông cho biết, đang làm việc với các tổ chức phát hành, lên phương án đảm bảo thanh toán lãi và gốc cho nhà đầu tư trước hoặc đúng hạn của các lô TPDN.
Bộ Tài chính cũng thông tin, đã làm việc với các nhà phát hành TPDN liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông, họ đều cam kết sẽ trả đúng hạn cho nhà đầu tư. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư cá nhân mua TPDN liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông đang đứng ngồi không yên vì lo lắng không biết có lấy lại được tiền mua TPDN hay không, nhất là trong số 3 lô TPDN mà Công ty An Đông phát hành, có lô TPDN không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và cũng không có bảo lãnh thanh toán.
Ai trả tiền cho trái chủ?
Nhiều năm gần đây, thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành TPDN tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỷ đồng/năm. Quy mô thị trường TPDN ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối, chất lượng phát hành TPDN riêng lẻ chưa cao. Thị trường cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành TPDN riêng lẻ sai
mục đích, thiếu minh bạch và có các trường hợp vi phạm pháp luật, điển hình là vụ việc TPDN của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty An Đông mới đây.
Khối lượng TPDN phát hành tăng nhanh trong thời gian gần đây tạo rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024 và chủ yếu là TPDN của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng khối lượng TPDN đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng.
Thực tế thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân mua TPDN phát hành riêng lẻ không thực sự hiểu rõ về TPDN mà chỉ quan tâm đến lãi suất qua lời chào mời của nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán (các tổ chức trung gian phân phối TPDN). Thậm chí, nhiều nhà đầu tư không chuyên còn được “bùa” cho “giấy phép” nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua TPDN.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường TPDN sơ cấp trong 7 tháng đầu năm 2022 ghi nhận, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ nắm giữ 10,11% trong tổng lượng TPDN phát hành. Tuy nhiên, theo Công ty Dữ liệu tài chính FiinPro, thống kê từ thị trường thứ cấp cho thấy, số lượng TPDN do cá nhân nắm giữ lên tới 32,6%, chủ yếu thông qua các giao dịch mua trung gian với công ty chứng khoán. Điều này cho thấy, trên thị trường có hiện tượng môi giới chứng khoán mời gọi nhà đầu tư cá nhân không chuyên đầu tư các lô TPDN như một dạng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao.
Trong khi đó, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng mà theo quy định về phát hành TPDN riêng lẻ, doanh nghiệp phát hành TPDN theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.
Cùng với đó, các tổ chức trung gian phân phối chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí từ doanh nghiệp phát hành và không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành và không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư.
Ngày 11-10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại về thị trường chứng khoán. Tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh và góp phần huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, song thị trường chứng khoán hiện đang có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn chưa cao; còn hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. |
TPDN là kênh đầu tư hấp dẫn, song cũng tỷ lệ thuận với rủi ro, vì TPDN là một khoản đầu tư trung dài hạn và các chỉ số về tài chính liên quan đến doanh nghiệp phát hành hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, thị trường TPDN riêng lẻ được quy định chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định như: có kiến thức, am hiểu thị trường, vốn đầu tư tối thiểu…
Do đó, trách nhiệm của tổ chức bảo lãnh, đại lý phát hành rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Trong khi đó, thời gian qua, việc phân phối TPDN phát hành riêng lẻ chủ yếu qua các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán, nhưng lại thiếu sự giám sát chặt chẽ, răn đe kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước.
- Chuyên gia tài chính HỒ QUỐC TUẤN, Đại học Bristol, Anh: Xây dựng quy định bảo vệ nhà đầu tư Ở Anh, chuyên viên tư vấn tài chính cho khách hàng phải có bằng cấp tư vấn tài chính do cơ quan quản lý Financial Conduct Authority (FCA) công nhận. Công ty còn phải lập một báo cáo đánh giá sản phẩm mà họ tư vấn cho khách hàng là phù hợp với tình trạng tài chính của khách hàng cung cấp (suitability report) để lưu trữ. Căn cứ vào đó, khi có sự cố, các cơ quan quản lý sẽ đưa ra những chế tài hợp lý. Vì quy trình chặt chẽ như vậy, những nhà tư vấn tài chính ở Anh không dám nhắm mắt bán đại sản phẩm cho khách hàng chỉ vì hoa hồng, vì nếu có sai phạm sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Lâu nay, câu chuyện TPDN, đặc biệt là TPDN bất động sản, đều lưu ý việc nhà đầu tư có tìm hiểu kỹ về sản phẩm đầu tư hay chưa, nhưng vai trò của trung gian phân phối mới chính là tảng băng chìm rất quan trọng. Các cơ quan quản lý ở nước ngoài đã nhận ra việc này nên họ đã xây dựng hẳn một bộ quy định rất dày để bảo vệ nhà đầu tư. Sản phẩm tài chính là loại sản phẩm đòi hỏi kiến thức và sự tận tụy với khách hàng, vì nó có thể ảnh hưởng đến tài sản tích lũy cả một đời của người lao động. Nếu nhà tư vấn có tâm thì sẽ không xảy ra trường hợp khi có sự cố, nhà đầu tư hoang mang không biết ai sẽ trả tiền TPDN cho họ. - Ông NGUYỄN THÀNH, Cán bộ Tòa án Nhân dân quận 3, TPHCM: Hết sức cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp TPDN hay cổ phiếu công ty đều được ràng buộc bởi pháp luật. Thời gian qua, người dân TPHCM và cả nước đã ít nhiều bị ảnh hưởng khi mua TPDN. Và, qua điều tra ban đầu, nhiều doanh nghiệp đã sai phạm trong việc này. Xét một cách toàn diện, người dân đã bị dẫn dụ với mức lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại. Lợi nhuận cao so với gửi tiết kiệm ngân hàng, nên nhiều người đã gom hết “trứng về một giỏ”. Đến khi các doanh nghiệp bán trái phiếu bị phá sản thì hệ quả khôn lường. Qua đây, chúng tôi một lần nữa cảnh báo các bậc phụ huynh, người dân hết sức cẩn trọng với việc đầu tư TPDN. Đừng vì cái lợi trước mắt mà quên nghĩa vụ lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình! |