Gần đây nhất, World Cup năm 2022 ở Qatar đã thu hút sự chú ý đối với những công nhân làm việc cực nhọc dưới nền nhiệt có thể lên tới 50oC trong cao điểm mùa hè ở các quốc gia vùng Vịnh. Kể từ năm 2021, Qatar đã cấm làm việc ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều từ ngày 1-6 đến ngày 15-9. Cyprus cũng là một trong những quốc gia hiếm hoi hạn chế giờ làm việc, yêu cầu nghỉ thêm và mặc quần áo chống nóng khi nhiệt độ tăng trên 35oC.
Hiện không có quy định quốc tế về nhiệt độ cho công việc ngoài trời, nhưng biến đổi khí hậu đã buộc người sử dụng lao động phải xem xét kỹ lưỡng hơn. Chính phủ Mỹ nhận định “sức nóng là kẻ giết người hàng đầu liên quan đến thời tiết của quốc gia” và hứa đưa ra các quy định mới sau đợt nắng nóng chết người năm 2021. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có quy định về điều kiện làm việc ngoài trời. Châu Âu cũng chứng kiến những đợt nắng nóng tàn khốc. Theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ cực cao và bức xạ mặt trời gây say nắng, các bệnh về thận, tim và phổi, đồng thời làm tăng tỷ lệ ung thư.
Ông Justin Glaser, người đứng đầu La Isla Network, một nhóm theo dõi sức khỏe nghề nghiệp toàn cầu, cho biết, hơn 20.000 công nhân mía đường ở Trung Mỹ đã chết trong một thập niên qua vì bệnh thận mãn tính. Riêng ở Sri Lanka, có khoảng 25.000 ca tử vong vì bệnh thận. Khoảng một tỷ công nhân nông trại và hàng chục triệu người trong ngành xây dựng và các ngành công nghiệp ngoài trời khác đang ở tuyến đầu chịu tác động của nắng nóng. Nhân viên cứu hộ bể bơi, thợ làm vườn, nhân viên chuyển phát bưu điện… đều phải đối mặt với những nguy hiểm về nhiệt. Nếu tiếp xúc với tia cực tím trong vòng 30-40 năm sẽ tăng hơn gấp đôi nguy cơ ung thư da.
Trong nghiên cứu từ năm 2020, các nhà nghiên cứu tại lãnh thổ Đài Loan đã cảnh báo bệnh thận do nhiệt độ quá cao “có thể là một trong những dịch bệnh đầu tiên do sự nóng lên toàn cầu”. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Nam Á và châu Phi cận Sahara sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nắng nóng khắc nghiệt trong những năm tới. Tương tự ở Ấn Độ, Bangladesh và các nước láng giềng, nơi có dân số làm nông nghiệp và số lượng làm việc trong các khu vực phi chính thức không có bảo hiểm y tế rất lớn.
Bà Vidhya Venugopal, Giáo sư sức khỏe nghề nghiệp tại Viện Sri Ramachandra ở Chennai, Ấn Độ, nhấn mạnh trường hợp hàng trăm ngàn diêm dân ở Ấn Độ làm việc trong điều kiện sa mạc có tỷ lệ mắc bệnh thận và các bệnh khác cao. Theo bà Venugopal, chủ lao động thường không muốn công nhân của mình nghỉ ngơi vì sợ giảm năng suất. Người đứng đầu ILO tại khu vực Arab, ông Ruba Jaradat cho biết, khoa học đã chứng minh các quốc gia có thể làm được nhiều hơn nữa để bảo vệ người lao động trước tình trạng nóng lên toàn cầu.