Rực rỡ sắc màu tại Festival Hoa lan TPHCM

Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2019), lần đầu tiên TPHCM tổ chức Festival Hoa lan, quy tụ các giống lan rừng, lan nhiệt đới, cây kiểng đặc sắc… có giá trị kinh tế cao của nền nông nghiệp đô thị, kết nối phát triển du lịch nông nghiệp - sinh thái. 

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, Trưởng ban tổ chức lễ hội, xung quanh chủ đề hoa lan.

HTX Hoa lan Huyền Thoại cừa cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu, 
vừa là điểm du lịch nông nghiệp sinh thái của TPHCM       Ảnh: Công Phiên 

 * Phóng viên: Festival Hoa lan TPHCM 2019 sẽ diễn ra khi nào và có nét gì đặc sắc, thưa ông?


* Ông Nguyễn Văn Trực: Festival Hoa lan TPHCM 2019 diễn ra từ ngày 27-4 đến 1-5 tại Công viên Văn hóa Tao Đàn (quận 1) với chủ đề “Hương sắc nhiệt đới” cùng các hoạt động hội thi, hội thảo… liên quan đến hoa lan. Hoa lan còn được trang trí tại các địa điểm du lịch, vòng xoay, tuyến đường chính của TPHCM. Festival hoa lan thu hút các loại lan quý từ Bắc vào Nam như lan rừng, lan Hài… bố trí ở 2 khu với các tiểu cành đặc sắc: Khu “Rừng lan giữa lòng TPHCM” với màu sắc đa dạng của các loại lan Hồ Điệp, Mokara, Dendrobium… mang đến một “rừng lan” đậm chất nhiệt đới, tươi mát; triển lãm tiểu cảnh đường hoa lan, tháp hoa lan, bồ câu hòa bình, thuyền sóng, khu vườn mùa xuân… Khu “Sắc màu nhiệt đới” với các thảm hoa cùng tiểu cảnh hoa lan như ngôi nhà hoa lan, khu vườn nắng… tạo thành một quần thể hoa lan nhiệt đới, giúp khách tham quan có trải nghiệm mới mẻ, khung hình đẹp.

*Festival hoa lan sẽ có những loại hoa đến từ vùng miền nào?

* Với mục tiêu chính là quảng bá thương hiệu hoa lan của TPHCM với hai chủng loại hoa chính được triển lãm là Mokara và Denrobium. Dự kiến với số lượng hơn 111.814 chậu, cây, cành hoa tham gia triển lãm và hội thi. Các loại hoa lan khác của TPHCM như Cattleya, Vanda, nhiều loại lan rừng, Hồ Điệp cũng tham gia triển lãm và các hoạt động của hội thi. Trong đó, lan có khoảng 14.000 cây, chậu; hoa nền các loại với 97.800 chậu. Khoảng 800 - 900 tổ chức, cá nhân, nhà vườn, trang trại, nghệ nhân tham gia triển lãm và hội thi. 19 tỉnh thành có nghệ nhân, nhà vườn, trang trại như TP Đà Lạt, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre… tham gia với khoảng 1.000 sản phẩm lan các loại. Còn có khu vực hội thi hoa lan cắt cành, hội thi tiểu cảnh sân vườn (hoa lan chủ đạo) với 15 - 20 mô hình, hội thi bonsai với 300 tác phẩm. Đồng thời, sử dụng hơn 60 chủng loại hoa nền để trang trí cho lễ hội như duyên cúc các loại, hoa hồng các loại, mai địa thảo, phi yến, hoa sim, sao nhái, dừa cạn các loại, thạch thảo… và kiểng lá trưng bày tại lễ hội với khoảng 100.000 chậu các loại.

* Thông qua Festival Hoa lan 2019, Sở NN-PTNT có kế hoạch phát triển hoa lan như thế nào để TPHCM trở thành đầu tàu, định hướng sản xuất, cung ứng thị trường, phát triển sản phẩm chủ lực và hướng đến “mỗi địa phương một sản phẩm”?

* Năm 2018, để tập trung các giải pháp đầu tư phát triển có trọng điểm trong phát triển nông nghiệp đô thị, UBND TPHCM ban hành danh mục 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong ngành hoa kiểng và hoa lan là cây trồng có tiềm năng lớn. Năm 2006, diện tích hoa lan đạt khoảng 63ha thì đến năm 2018, diện tích đạt 375ha (tăng hơn 300ha). Sản lượng hoa lan cung ứng ra thị trường năm 2018 trên 80 triệu cành và trên 5 triệu chậu lan các loại. TPHCM đang triển khai đề án “Mỗi địa phương một sản phẩm”; trong đó hoa lan được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cũng là sản phẩm “Mỗi địa phương một sản phẩm” của TPHCM. Sau Festival, TPHCM tiếp tục triển khai các đề án phát triển hoa kiểng, nhất là lan; phối hợp các sở ngành, địa phương đề ra các giải pháp mới để hỗ trợ ngành lan TP phát triển bền vững.

* Hoa lan đang là sản phẩm thiếu trên thị trường, còn phải nhập khẩu, vậy TPHCM có chương trình gì khuyến khích phát triển, đáp ứng thị trường hoa ngày càng đa dạng?  


* Ngành trồng lan cả nước nói chung và TPHCM nói riêng những năm qua có bước phát triển tốt, đang định hình là một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, nhất là những dịp lễ tết ở các đô thị lớn.  Do đó, trong chương trình của Festival Hoa lan TPHCM 2019 có tổ chức hội thảo về Tiềm năng và định hướng phát triển hoa lan TPHCM và về Ứng dụng công nghệ cao trong lai tạo và sản xuất các giống hoa lan. Đây là cơ hội để người trồng lan có định hướng trong thời gian tới.  Sở NN-PTNT TPHCM cũng đã chỉ đạo Trung tâm Công nghệ sinh học nghiên cứu lai tạo các giống lan mới, giúp người trồng giảm chi phí nhập giống, nâng cao sức cạnh tranh, nhất là quyền sở hữu giống khi xuất khẩu.

* Đến thời điểm này, Festival có kế hoạch kết hợp như thế nào để thúc đẩy du lịch TPHCM phát triển?

* Lần đầu tiên TPHCM tổ chức Festival hoa lan với mong muốn quảng bá thương hiệu hoa lan của TP đến du khách tham quan lễ hội. Để gắn kết với du lịch, lễ hội có tổ chức cuộc thi thiết kế tour và bán chương trình tour gắn kết với du lịch sinh thái nông nghiệp, đây là cơ hội để kết nối phát triển nông nghiệp với du lịch. Du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông... là các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển nông nghiệp với du lịch.

Ban tổ chức đã in ấn và phát hành 3.000 brochure (có 500 cuốn tiếng Anh) mời gọi tham gia Festival Hoa lan TPHCM 2019; phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM xây dựng trailer quảng bá, báo chí. Đã xây dựng nội dung và in ấn 5.000 tờ gấp quảng bá Festival, gửi Sở Du lịch TPHCM đặt tại quầy thông tin ở các sân bay, khách sạn, điểm du lịch... Xây dựng website quảng bá Festival với tên miền: festivalhoalan.com festivalhoalan.tvnn.vn, lehoihoalan.com; fanpage: facebook.com/festivalhoalan. Xây dựng mã QR với đường dẫn đến website Festival hoa lan. Có 20 gian hàng của các công ty du lịch quảng bá các tour du lịch nông nghiệp sinh thái, đến các vườn lan nổi tiếng của TPHCM với giá ưu đãi. Bên cạnh đó còn có tour du lịch bằng đường sông đến các huyện Cần Giờ, Củ Chi để tham quan các vườn lan. Ngoài ra, hoa lan còn trưng bày tại các địa điểm du lịch; băng rôn treo tại sân bay, nhà ga, bến xe, bảo tàng và khách sạn để du khách trong và ngoài nước đến lễ hội.

THI THIẾT KẾ VÀ KHAI THÁC TOUR DU LỊCH SINH THÁI, NÔNG NGHIỆP 
Nhân dịp Festival Hoa lan 2019, Sở Du lịch TPHCM tổ chức hội thi “Thiết kế và khai thác chương trình du lịch chuyên đề sinh thái, nông nghiệp” nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp đô thị, cảnh quan sông nước; phát triển du lịch sinh thái kết hợp khai thác và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao; góp phần mang lại thu nhập qua các dịch vụ du lịch, tham quan. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp lữ hành gắn kết các điểm đến sinh thái, nông nghiệp; hình thành chương trình du lịch chuyên đề, tạo sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch của TPHCM. 
Đối tượng dự thi là các tổ chức, cá nhân, nhóm khởi nghiệp, câu lạc bộ, doanh nghiệp lữ hành. Nội dung hội thi gồm: Thiết kế chương trình du lịch chuyên đề sinh thái, nông nghiệp (từ tháng 3 đến 4-2019); cuối tháng 4, ban tổ chức chấm điểm và công bố kết quả, trao thưởng. Khai thác chương trình du lịch sinh thái, nông nghiệp từ tháng 5 đến tháng 11-2019. Tháng 12 tổng kết hội thi và trao giải.
CÔNG PHIÊN   

Tin cùng chuyên mục