Cách đây 78 năm, trong những ngày mùa thu lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Các ca sĩ cùng hòa ca bài hát "Tổ quốc ta cờ bay" và "Tiến quân ca". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta. Năm tháng qua đi nhưng tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam không chỉ vì giá trị lịch sử, pháp lý, mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập tự do.
78 năm lập quốc, một chặng đường trải dài qua hai thế kỷ, khí thế hừng hực tiến công của ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của mùa thu cách mạng năm xưa đã dệt nên trang sử hào hùng bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Các ca sĩ và khán giả đã cùng cất cao tiếng hát bài Quốc ca thiêng liêng của đất nước. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Ngày 2-7-1976, Quốc hội đầu tiên đã thống nhất quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, thành phố vinh dự, tự hào được mang tên của Người đã bước vào công cuộc kiến thiết, xây dựng lại thành phố - một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, một đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước.
Tại sân khấu Phố đi bộ Nguyễn Huệ, hàng chục ngàn khán giả, người dân thành phố và du khách quốc tế đã cùng đứng nghiêm trang, hát bài Quốc ca thiêng liêng, lắng nghe lời Bác Hồ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9 trong niềm xúc động và tự hào vô hạn.
Ca sĩ Mai Hiền Xuân và Thùy Trinh biểu diễn bài hát "Lời ca dâng Bác". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Tất cả khán giả đã cùng hòa ca bài hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng để thấy thêm yêu quê hương, đất nước, nhớ ơn Bác Hồ và bao lớp cha ông đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì đất nước hòa bình, thịnh vượng, dân tộc Việt Nam được hạnh phúc, ấm no như ngày hôm nay.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt Việt Nam - Niềm tin ngời sáng, được đầu tư dàn dựng hoành tráng, theo từng chương: Tung bay lá cờ Việt Nam; Lời Người vang vọng núi sông; TPHCM, hiện đại – văn minh – nghĩa tình; Việt Nam trong trái tim ta.
Hàng loạt ca khúc truyền thống cách mạng đã đi vào lòng người qua bao thế hệ được trình diễn: tổ khúc Tổ quốc ta cờ bay – Tiến quân ca, sáng tác Quốc ca, Ba Đình nắng, Lời ca dâng Bác, Lá cờ, tổ khúc Hành quân xa – Đường lên phía trước, Giải phóng Điện Biên, tổ khúc Tự nguyện, Dậy mà đi, Tổ quốc ơi ta đã nghe, Tiếng gọi sinh viên, liên khúc Hát cho dân tôi nghe, Người đợi người, tổ khúc Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Mỗi bước ta đi, Lá đỏ, tổ khúc Đất nước trọn niềm vui, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, tổ khúc Quê hương tình yêu và tuổi trẻ, Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh…
NSND Tạ Minh Tâm biểu diễn bài hát "Ba Đình nắng". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Ánh Tuyết, ca sĩ Phạm Thế Vĩ, Phạm Trang, Thanh Sử, Gia Bảo, Trinh Trinh, Tùng Lâm, Thùy Trinh, Đăng Quân, Trúc Lai, Mai Hiền Xuân, Phan Ngọc Luân, nhóm 135, nhóm Lạc Việt, nhóm ca truyền thống Thành Đoàn…
Phần 2 của chương trình biểu diễn phục vụ khán vui chơi lễ các ca khúc: Việt Nam những chuyến đi, Vùng trời bình yên, Bèo dạt mây trôi, Chiếc khăn Piêu, Cò lả... với sự tham gia biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Tuấn Phúc, Đồng Diệu Ly, Ryo, Thu Thủy, Hòa Prox, NS Đinh Nhật Minh (sáo), Cao Bá Hưng (nhị, tỳ bà), Mai Anh (violin)...