“Rục rịch” thông tin sáp nhập tỉnh, thành: Thị trường bất động đón cơ hội hay chờ thời?

Thị trường bất động sản đầu năm 2025 đang có nhiều chuyển động đáng chú ý, khi thông tin về đề án sáp nhập TPHCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Mặc dù chưa có văn bản chính thức, khả năng điều chỉnh địa giới hành chính trong tương lai đang được giới chuyên môn và nhà đầu tư xem xét như một yếu tố có thể tạo ra làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ trong chiến lược đầu tư, đặc biệt là đối với phân khúc đất nền vùng ven dọc các tuyến cao tốc và đường vành đai kết nối trực tiếp vào trung tâm TPHCM.

Chuyên gia bất động sản Trần Hữu Phúc Tiến nhận định rằng, nếu đề án sáp nhập được xem xét, cấu trúc hành chính mới giữa TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có thể tạo ra một đô thị đa cực với hệ sinh thái kinh tế tổng hợp. TPHCM sẽ giữ vai trò trung tâm tài chính, dịch vụ và công nghệ; Bình Dương là trung tâm công nghiệp; trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy lợi thế cảng biển và du lịch. Tầm nhìn phát triển vùng theo hướng tích hợp đa chức năng, bao gồm công nghiệp, dịch vụ và hậu cần cảng, đang được các nhà đầu tư và quy hoạch đô thị đánh giá là bước đi tiềm năng, giúp định hình một cấu trúc phát triển đô thị quy mô lớn hơn, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

Ngay sau khi thông tin về đề án sáp nhập lan truyền, thị trường bất động sản đã có những phản ứng rõ rệt. Chỉ trong một tuần, mức độ tìm kiếm bất động sản tại các đô thị giáp ranh TPHCM như Thuận An và Dĩ An (Bình Dương) tăng lần lượt 26% và 23%. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) ghi nhận giá đất tại các khu vực này tăng từ 10%-20% chỉ sau vài tuần. Dữ liệu từ VARS cho thấy, trong tháng 2-2025, chỉ số quan tâm đến bất động sản trực tuyến tại Bình Dương đạt mức tối đa 100, vượt xa Đồng Nai (47), Bà Rịa - Vũng Tàu (39) và Long An (33). Diễn biến này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng của Bình Dương khi trở thành một phần của siêu đô thị TPHCM mở rộng.

1000025670.jpg
Nhà đầu tư đang rất quan tâm đến thị trường bất động sản đặc biệt là tại Bình Dương sau khi có thông tin sáp nhập tỉnh, thành

Tâm lý nhà đầu tư đang phân hóa rõ rệt. Một bộ phận đang “nín thở chờ thời,” theo dõi sát sao các diễn biến chính sách, trong khi một nhóm khác đang ráo riết săn lùng quỹ đất tại những khu vực được cho là sẽ nằm trong phạm vi ảnh hưởng nếu đề án sáp nhập được triển khai. Sự dịch chuyển chiến lược này khiến lượng giao dịch tại Bình Dương tăng so với quý cuối năm 2024, đặc biệt tại những vị trí có lợi thế về kết nối hạ tầng.

Một yếu tố quan trọng được giới chuyên môn nhắc đến là tác động của việc sáp nhập (nếu xảy ra) đối với việc điều chỉnh quy hoạch và cơ chế đầu tư công. Các đồ án quy hoạch đô thị của Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có thể được tích hợp vào quy hoạch tổng thể mở rộng của TPHCM. Khi đó, các trung tâm đô thị như Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An sẽ đóng vai trò vệ tinh hỗ trợ cho nội đô TPHCM, góp phần điều tiết áp lực dân số và mở rộng không gian đô thị.

Hạ tầng liên kết vùng giữa TPHCM và Bình Dương cũng đang được đẩy mạnh triển khai trong năm 2025 với các dự án trọng điểm. Tính theo "chiều ngang", đáng chú ý có dự án vành đai 3 TPHCM (dự kiến thông tuyến chính vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026) và vành đai 4 TPHCM (Bình Dương sẽ khởi công trong năm nay). Tính theo "chiều dọc," Quốc lộ 13 (đoạn qua Bình Dương) đang được mở rộng lên 8 làn xe, đoạn qua TPHCM cũng đang được xem xét mở rộng từ 4-6 làn lên 10 làn, với quy mô hơn 21.700 tỷ đồng. Nút giao Tân Vạn cũng đang được hoàn thiện để tăng cường năng lực kết nối trục công nghiệp phía Nam.

Ngoài ra, loạt dự án "mở rào" giữa Bình Dương và TPHCM như mở rộng ĐT743 nối Vành đai 2, cầu Vĩnh Phú kết nối TP Thủ Đức và Thuận An, nâng cấp tuyến An Bình kết nối Phạm Văn Đồng, phát triển tuyến metro số 1 kéo dài đến Bình Dương và Đồng Nai cũng đang được triển khai.

1000025671.jpg
Cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn hơn 17.400 tỷ đồng, góp phần “mở rào” ngăn cách giữa TPHCM, Bình Dương, Bình Phước và vùng Tây Nguyên

Cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn hơn 17.400 tỷ đồng, sẽ đóng vai trò chiến lược trong kết nối TPHCM với Bình Dương, Bình Phước và vùng Tây Nguyên khi hoàn thành. Các dự án đường sắt vận chuyển container giữa Bình Dương và cảng biển Cái Mép Thị Vải cũng đang được nghiên cứu nhằm rút ngắn thời gian logistics và thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn vùng.

Bên cạnh đó, UBND Bình Dương đã thống nhất thông qua hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án cụm công nghiệp An Bình 7 tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo - Bình Dương, quy mô 50 ha, hướng đến thu hút các ngành công nghệ cao, chế biến nông sản và sản xuất dược phẩm, tạo động lực phát triển mới cho vùng ven.

1000025672.jpg
Dự án Alana City tọa lạc ngay nút đường dẫn cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, kết nối trực tiếp với hệ thống giao thông vào trung tâm TPHCM. Ảnh: Phương Trường An Group

Giới đầu tư đang đặc biệt chú ý đến các vùng ven trên các trục cao tốc và đường vành đai kết nối trực tiếp vào trung tâm TPHCM. Những khu vực này có ưu điểm về thời gian di chuyển, hưởng lợi từ hạ tầng đang phát triển và dễ tiếp cận các khu đô thị vệ tinh trong tương lai. Nhà đầu tư có thể cân nhắc những sản phẩm có pháp lý rõ ràng, tọa lạc gần tuyến metro, cao tốc hoặc khu công nghiệp nhằm đảm bảo tính thanh khoản và triển vọng phát triển dài hạn.

Mặc dù chưa có văn bản chính thức xác nhận đề án sáp nhập, mọi dự báo vẫn mang tính giả định. Tuy nhiên, hiệu ứng thị trường đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư về một giai đoạn tăng trưởng mới. Việc bám sát thông tin quy hoạch, chủ động đánh giá cơ sở hạ tầng và chọn đúng khu vực có nền tảng kết nối mạnh mẽ đang trở thành chiến lược ưu tiên để đón đầu cơ hội, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư trong giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục