Thiết lập thể chế
Hai năm nữa, châu Âu sẽ áp thuế carbon đối với cả hàng nhập khẩu, trước mắt là đối với thép, xi măng, phân bón, sắt, nhôm và đồ điện. Nhà đầu tư châu Âu còn phải thực hiện việc báo cáo tác động khí hậu đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài. Các biện pháp này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở mọi quốc gia có giao thương với châu Âu. Câu chuyện của châu Âu chỉ là một ví dụ. Hiện Canada, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác đã thực hiện hoạt động ETS, và dù muốn hay không, các công ty Việt Nam cũng cần phải biết đến và tham gia tích cực vào thị trường này.
Việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước đã được Việt Nam triển khai trong những năm gần đây. Một dấu mốc quan trọng cho vấn đề này là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) đã quy định những nguyên tắc cơ bản cho việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Tiếp đó, năm 2021, Nghị quyết 50-NQ/CP của Chính phủ xác định “thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” là một trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, những mốc thời gian cụ thể đã được nêu rõ trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon. Theo đó, kể từ năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế. Từ năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; đồng thời quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Những ngày đầu tháng 3-2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC). Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, các nước trong cộng đồng cần đề ra một lộ trình giảm phát thải hết sức bài bản và thực tế - không phải bằng mọi giá vì còn cần tính đến các vấn đề kinh tế - xã hội. Đây chính là con đường mà Việt Nam quyết tâm theo đuổi, dù hết sức chông gai.
Khói thải từ nhà máy sản xuất trong khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi
Hình thành thị trường carbon trong nước giúp chúng ta nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới, trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) Phạm Văn Tấn nêu ý kiến, những quy định pháp luật về tổ chức và phát triển thị trường carbon đã khá đầy đủ. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường carbon có vai trò hết sức quan trọng, là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường này. Đối với doanh nghiệp, bước đầu tiên là chuẩn bị nhân sự đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Để tham gia quá trình chuyển đổi này, các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính như sản xuất sắt, thép, xi măng, nhôm…) cần tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải, tăng cường các hoạt động hấp thụ khí nhà kính (thay đổi công nghệ, trồng cây xanh…); cũng như hình thành hệ thống tiêu chuẩn, hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình.
Doanh nghiệp có thể chủ động tham gia vào thị trường carbon. Theo ông Phạm Văn Tấn, với thị trường carbon bắt buộc, chính phủ đặt ra mức trần phát thải chung cho quốc gia và sau đó phân bổ xuống từng cơ sở tham gia thị trường. Các cơ sở phải tuân thủ hạn ngạch được cấp bằng cách đầu tư vào các biện pháp giảm phát thải hoặc mua hạn ngạch từ cơ sở khác hay tín chỉ carbon thông qua thị trường carbon. Nếu các cơ sở không tuân thủ sẽ phải chịu mức phạt trên mỗi tấn CO2 tương đương phát thải vượt hạn ngạch. Theo thời gian, lượng hạn ngạch được phân bổ cho các cơ sở sẽ ngày càng giảm dần theo lộ trình giảm phát thải chung quốc gia.
Riêng thị trường carbon tự nguyện được hình thành dựa trên nhu cầu bù trừ carbon tự nguyện của các tổ chức và cá nhân. “Hàng hóa” được mua bán trên thị trường tự nguyện là tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ theo phương pháp luận được quốc tế hoặc quốc gia sở tại công nhận. Bên mua trong thị trường carbon quốc tế tự nguyện là các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp muốn thể hiện trách nhiệm xã hội và xây dựng hình ảnh về phát triển bền vững. Việc mua tín chỉ tự nguyện thực chất là đóng góp cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
* Không phải cứ mua tín chỉ là phát thải thoải mái
TS Trương An Hà, chuyên gia về định giá carbon thuộc Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam, lưu ý, ở một số quốc gia không cho phép doanh nghiệp dùng tín chỉ carbon (mua trên thị trường tự nguyện) để bù đắp cho lượng phát thải khí nhà kính vượt hạn ngạch (trên thị trường bắt buộc).
Ví dụ, thị trường trao đổi hạn ngạch ETS của châu Âu trong giai đoạn 2008-2020 cho phép các doanh nghiệp tham gia thị trường mua tín chỉ từ Cơ chế phát triển sạch hoặc Cơ chế đồng thực hiện để tuân thủ hạn ngạch. Tuy nhiên, nguồn cung tín chỉ ngày càng nhiều khiến giá bán tín chỉ giảm mạnh, ảnh hưởng tới động lực đầu tư vào công nghệ giảm phát thải của doanh nghiệp. Do vậy, EU đã bỏ quy định này trong giai đoạn 4 của thị trường (2021-2030). Doanh nghiệp vẫn có thể mua tín chỉ để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung nhưng không thể dùng để bù đắp cho hạn ngạch phát thải.
Tại Việt Nam, Điều 19 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định, các cơ sở có thể sử dụng tín chỉ carbon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải. Tuy nhiên, số lượng tín chỉ không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch được phân bổ. Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu giảm phát thải trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, gửi đến Liên hiệp quốc. Đây sẽ là những căn cứ để thiết lập hạn mức phát thải của quốc gia, và từ đó phân bổ hạn ngạch đến các cơ sở phát thải trong thời gian tới.
* Tín chỉ carbon rừng Việt Nam trị giá hàng triệu USD
Mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon rừng. Nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ (1 tấn CO2 tương đương 1 tín chỉ carbon) thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đây là kết quả tính toán của các cơ quan chức năng.
Theo PGS-TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, tiềm năng CO2 rừng ở Việt Nam là rất lớn, có thể đem bán trên thị trường. Trong tương lai gần, việc bán tín chỉ CO2 rừng sẽ sôi động. Các tổ chức quốc tế như Emegent, SK, Quỹ Khí hậu xanh (GCF)... đã khởi động chương trình đầu tư, môi giới, mua bán CO2 rừng.
Để có thể phát triển thị trường CO2 rừng, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý; xây dựng mới các tiêu chuẩn Việt Nam về carbon theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, làm cơ sở cho việc đo tính, giám sát, thẩm định lượng giảm phát thải và tăng hấp thụ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Mặt khác, các địa phương và chủ rừng, các thành phần kinh tế cần tích cực hưởng ứng “Chương trình lâm nghiệp tăng trưởng xanh”, “Kế hoạch hành động Glasgow” mà Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo thực hiện, nhân rộng.