Tại cửa hàng bán bánh mì, thực phẩm khô Như Lan trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), khá đông khách đợi mua mang về. Nhân viên cửa hàng luôn miệng nhắc nhở khách hàng đặt hàng xong đứng ra xa đợi.
Ở một cửa hàng bánh mì trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) cũng có đông người xếp hàng chờ mua. Ngoài việc đeo găng tay, khẩu trang, kính chống giọt bắn…, nhân viên giao hàng và nhận, thối tiền cho khách qua một cái giỏ, tránh tiếp xúc trực tiếp.
Các cửa hàng bán hủ tíu, cơm tấm… cũng đông khách, shipper chờ nhận đơn hàng như tiệm Cơm tấm Tài (số 100 Nguyễn Văn Nghi, phường 5, quận Gò Vấp), quán bún thịt nướng trên đường Nguyễn Cư Trinh (quận 1). Nhiều hàng quán trên tuyến đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) cũng mở cửa đón khách.
Khi thành phố cho phép bán hàng mang đi, người dân có thể đặt mua qua các trang mạng, giảm gánh nặng đi chợ giúp của lực lượng tình nguyện.
Ghi nhận thị trường cho thấy, đơn đặt hàng của người dân tăng khoảng 30% so với trước đó một tuần. Do hầu hết siêu thị, cửa hàng tiện lợi và một số tiệm tạp hóa đã mở cửa hoạt động, cùng với lực lượng giao, bán hàng đã khá đông nên việc này không tạo sức ép lớn lên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Trong ngày 15-9, hai địa phương đầu tiên của TPHCM là quận 7 và huyện Củ Chi bước vào thí điểm trạng thái “bình thường mới”.
Theo ghi nhận của phóng viên, cửa hàng ăn uống, bán nhu yếu phẩm… ở 2 địa bàn này chưa mở lại nhiều. Những nơi mở lại chỉ bán qua app hay shipper giao hàng. Quán cà phê Phúc Long trên đường Nguyễn Hữu Thọ có khoảng 10 - 12 shipper đứng bên ngoài chờ lấy hàng giao cho khách.
Trên một số tuyến đường lớn ở quận 7, hầu hết các cửa hàng vẫn đóng cửa, một số ngân hàng hoạt động lại nhưng khách hàng tới giao dịch được xếp hàng giãn cách để đảm bảo an toàn.
Cùng ngày, đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân tiếp tục được cải thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Sở Công thương TPHCM và TP Thủ Đức đã có buổi làm việc với chợ đầu mối Thủ Đức về tình hình cung ứng hàng hóa qua điểm trung chuyển.
Chợ đầu mối Thủ Đức đã có thêm 10 thương nhân đăng ký hoạt động với lượng hàng hóa khoảng 50 tấn/đêm; hiện đang chờ Sở Công thương cấp giấy đi đường cho khoảng 150 nhân viên của chợ và thương nhân.
Chợ đầu mối Hóc Môn tiếp tục lùi thời gian hoạt động để điều chỉnh phương án, quy mô cũng như giờ giấc hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế, diễn biến phòng chống dịch. Dự kiến, 2 chợ này mở lại điểm trung chuyển hàng hóa vào đầu tuần tới.