Lợi trước mắt
Căn nhà mới của chị Rơ Châm Kút (làng Ngo Rông, xã Ia Krel, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) xây dựng vào khoảng tháng 7-2017 nằm ngay cạnh căn nhà cũ. Nói là nhà mới cho oai chứ thực tế việc xây dựng cũng rất đơn sơ. Nhà xây lên đoạn tường cao khoảng 1m rồi quây kín tôn, từ đó lên mái.
Để có căn nhà này, gia đình phải đánh đổi quyền khai thác 14 năm vườn cà phê 400 cây (khoảng 5 sào). “Nhà cũ xập xệ quá, muốn có nhà mới để ở mà mình không có tiền, phải mang vườn cà phê 6 năm tuổi đi cho thuê trong 14 năm, đổi lại họ xây cho mình cái nhà. Mình cũng không biết họ xây bao nhiêu tiền, vì việc xây dựng họ làm hết, còn mình chỉ chờ làm xong là dọn vô ở thôi”, chị Rơ Châm Kút cho biết. Ngoài vườn cà phê cho thuê, gia đình chị còn lại 200 cây nhưng thu nhập không đủ ăn nên phải đi làm thuê để mưu sinh.
Căn nhà chị Rơ Châm Kút được đổi bằng quyền khai thác 14 năm vườn cà phê 400 cây
Theo ước tính của một cán bộ xã Ia Krel, căn nhà mới của chị Rơ Châm Kút nói trên nếu tự xây không quá 100 triệu đồng. Trong khi vườn cà phê nếu thu hoạch mỗi năm cũng kiếm được khoảng 40 triệu đồng. Như vậy chỉ cần 3 năm thu cà phê là đủ tiền xây căn nhà.
Bà Rơ Mah Hhuy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Krel, cho biết tại làng Ngo Rông có 8 hộ cho thuê vườn cà phê với thời hạn cho thuê thấp nhất 5 năm, cao nhất 14 năm. Riêng vườn điều, có 3 hộ cho thuê, thời gian từ 1-2 năm. Khi cho thuê, có hộ nhận nhà, có hộ nhận tiền mặt. Một số hộ cho thuê xong hết đất sản xuất, phải đi làm thuê làm mướn.
Tình trạng cho thuê vườn điều hay còn gọi là bán điều non diễn ra ở nhiều xã khác. Theo ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, ước tính trong xã có khoảng 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có vườn điều. Trong đó có khoảng 80% số hộ cho thuê vườn, thời hạn từ 1-3 năm. Có nhiều nguyên nhân để dân cho thuê vườn điều, như cần tiền xây nhà, mua xe, trả nợ, thậm chí có một số trường hợp lười lao động.
Bất ổn
Ông Siu Luynh, Chủ tịch UBND xã Ia Krel, huyện Đức Cơ, thừa nhận tình trạng người dân cho thuê vườn điều, cà phê là có nhiều. Tuy nhiên không thể thống kê cụ thể bởi việc cho thuê không thông qua xã mà dân tự thỏa thuận với nhau. Việc cho thuê vườn cây chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến đời sống bà con. Một điều lo ngại khác là người thuê sẽ tìm cách tận thu, ảnh hưởng đến vườn cây về lâu về dài. Mặt khác, việc thuê mướn chỉ là trao đổi miệng, không qua chính quyền nên nếu có tranh chấp sẽ không có cơ sở để giải quyết, đòi quyền lợi cho dân.
“Việc cho thuê vườn cây là giao dịch dân sự, không cấm được. Chúng tôi chỉ phân tích cái thiệt, cái hại để người dân giữ vườn cây sản xuất. Thông qua các buổi họp thôn, xã xuống vận động bà con không nên cho thuê vườn điều, cà phê nhưng sự việc vẫn xảy ra”, ông Luynh nói.
Ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, huyện Đức Cơ phân tích, trên địa bàn 1ha điều giá cho thuê cao nhất chỉ có 15 triệu đồng. Trong khi đó, nếu tự sản xuất, người dân sẽ thu được thêm khoảng 1/3 số tiền trên. Điều lo sợ nhất là khi cho thuê vườn cây, dân không có đất sản xuất sẽ quay lại lấn chiếm đất rừng.
“Xã luôn khuyến cáo người dân giữ vườn cây sẽ cho thu nhập cao hơn là cho thuê, còn giúp xóa đói giảm nghèo bền vững”, ông Thiện khẳng định.
Còn ông Đào Lân Hưng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, cho biết sắp tới đơn vị tiếp tục khuyến cáo dân thu lại vườn điều hết thời hạn cho thuê để tự sản xuất. Nếu chưa hết thời hạn, đề nghị các hộ thuê cần chăm sóc vườn cây, không được chặt phá, đảm bảo tỷ lệ sống và hết hạn thuê thì phải trả lại ngay cho dân.