Rủ nhau đi học lại

Từng “gãy gánh giữa đường” việc học, nhiều bạn trẻ quyết tâm đi học lại phổ thông khi đã quá tuổi. Ban đầu mang nhiều lo lắng, cảm giác xấu hổ muốn giấu đi việc này, nhưng với sự yêu thương của bạn bè, thầy cô, họ không chỉ bước tiếp học tập mà còn hỗ trợ tinh thần cho các bạn cùng hoàn cảnh muốn nối lại việc học.

Trân trọng việc học

“Chuyện nghỉ học giữa chừng cứ ám ảnh em, lần này em sẽ không bỏ lỡ nữa”, Tiểu Linh (20 tuổi) nói về việc mình quyết tâm vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận nhập học lớp 10 sau 3 năm nghỉ học.

Linh kể: “Sau khi học hết lớp 9, bạn bè rủ đi làm công nhân, có tiền nên em nghĩ bỏ học cũng không sao. Sau đó, cứ trôi dạt hết công ty này đến công ty khác, lương thấp, không thấy tương lai vì đến bằng tốt nghiệp THPT cũng không có… lúc đó, em mới thấy việc học quan trọng thế nào”. Để không hoài phí tuổi trẻ, Linh gọi điện cho thầy chủ nhiệm thời cấp 2 nhờ đăng ký cho đi học lại. Thầy ngạc nhiên và mừng, cha mẹ Linh cũng mừng lắm.

I6A.jpg
Trân trọng thời gian được đi học lại, Tiểu Linh tranh thủ học thêm từ các thầy cô qua kênh YouTube

Nghỉ học 14 năm, năm học này, chị Nguyễn Thị Giúp (29 tuổi) bắt đầu học lại lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Chị Giúp tâm sự: “Mình tuy rất lanh lợi, nhưng rồi nhận ra nếu thiếu đi sự đào tạo bài bản, rèn luyện thì không tiến xa được. Nghỉ học lâu quá, mình trở nên tụt hậu, mình như đứng một chỗ trong khi xã hội mỗi ngày đều phát triển. Con trai 9 tuổi đi học về nhờ chỉ bài, mình đành chịu. Xót lắm!”.

Chuyện chị Giúp đi học lại cũng không dễ dàng, gia đình, họ hàng không ai hiểu, cho rằng chị đang làm một việc... thừa thãi. Xóm nhỏ truyền miệng nhau, chị Giúp bỗng nhiên trở thành “trung tâm của sự bàn tán”.

Tuy nhiên, chị đã chủ động thuyết phục cha mẹ: “Có học sẽ khác, sẽ tiến bộ. Còn không học thì mình mãi cũng như bây giờ thôi. Có thể học xong mình vẫn là nông dân nhưng sẽ hiểu bản chất và áp dụng được các công nghệ mới vào kỹ thuật trồng trọt, biết sử dụng máy móc, máy tính, hay đơn giản là khi gặp vấn đề biết cách lên mạng tìm hiểu sao cho hiệu quả; biết cách xây dựng thương hiệu và đem sản phẩm giới thiệu lên mạng… Đó là những cái nếu không được đào tạo thì không thể nắm bắt nhanh, thực hành tốt được”.

Nâng đỡ nhau

Ngày đầu quay lại trường, sợ các bạn biết mình lớn tuổi hơn, sợ bị kỳ thị, sợ học không kịp bài vì đã bỏ 3 năm… Tiểu Linh chỉ dám ngồi một mình cạnh cửa sổ, không nói chuyện với ai, nhưng bất ngờ được thầy phân công cho làm lớp trưởng. Vì áp lực “lớp trưởng mà học dở thì quê”, Linh học bài rất chăm chỉ và nhận ra nhiều công thức cũ của cấp 2 vốn vẫn còn trong đầu mình, “đụng đến” sẽ nảy ra, thêm thầy cô luôn có cách giảng phù hợp nên dần dần điểm số của Linh cũng thuộc dạng trội trong lớp.

Những lo lắng của Linh cũng không xảy ra, các bạn trong lớp rất hòa đồng, giúp nhau cùng học, rất hợp tác khi Linh xung phong lãnh đạo các hoạt động Đoàn. Đặc biệt, thầy cô ở trung tâm rất thương trò, luôn hỏi han, khuyến khích các bạn nhắn tin hỏi bài nếu không hiểu, không để học trò thua thiệt.

Gần gấp đôi tuổi các bạn học, ban đầu, chị Giúp cũng cảm giác xấu hổ. Tuy nhiên, sau khi tự giới thiệu “mình 29 tuổi, đã nhận ra sự học rất quan trọng, mình quyết tâm quay lại học, rất vui được học cùng các bạn”, cả lớp nghe vậy đã chào đón rất hòa nhã. Chị Giúp nói: “Bây giờ thì tôi không mắc cỡ nữa mà có phần tự hào vì mình rất can đảm. Thầy cô biết chuyện cũng động viên tôi rất nhiều, thường nhắc các bạn phải cố gắng, không bỏ học ngang và kể về trường hợp của tôi”.

Bắt tay làm TikTok về cuộc sống trường lớp của người đi học lại, Tiểu Linh kể: “Làm rồi mới thấy, có rất nhiều bạn “gãy gánh” việc học từ khi mười mấy tuổi, giờ muốn đi học lại. Các bạn nhắn tin hỏi tôi rất nhiều về học phí, thủ tục, có người lo lắng vì lớn tuổi, không còn nhớ kiến thức, môi trường giáo dục thường xuyên thường tập trung các đối tượng cá biệt?… Tôi biết gì thì chia sẻ trong tin nhắn, clip TikTok và cả livestream nói chuyện. Nhiều anh chị đăng ký thành công đi học trở lại, quay lại nhờ tôi tư vấn cách học, tôi mừng lắm”.

Với chị Nguyễn Thị Giúp, chị trở thành “quân sư” khâu thuyết phục cha mẹ để đi học lại. Bởi thực tế có nơi, 1 người đi học bị xem là mất 1 nguồn lao động chính của gia đình. Chị Giúp làm clip chia sẻ cách thức để vừa đảm đương việc gia đình, con cái vừa tập trung học.

“Mình rất hiểu các bạn, trong nhiều năm, mình từng nhiều đêm phải khóc trong mơ vì khát khao trở lại việc học. Nên khi có thể giúp các bạn nắm lấy cơ hội đi học trở lại, mình thấy rất hạnh phúc và mong các bạn đừng dễ dàng từ bỏ ước mơ”, chị Giúp bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục