Thăm Vườn Cau Đỏ
Nằm trên địa phận 3 phường An Phú Đông, Thạnh Xuân, Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM), chiến khu An Phú Đông gắn liền hình ảnh hào hùng của những ngày Nam bộ kháng chiến với hình ảnh lực lượng võ trang, vũ khí thô sơ tập hợp chỉnh tề dưới những vườn cau đỏ sẵn sàng đương đầu với quân Pháp trở lại xâm lược. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, mảnh đất chiến khu An Phú Đông đã thấm máu đào bao anh hùng liệt sĩ để có những phố phường đông đúc hôm nay. Ngoài Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ trên địa bàn phường Thạnh Lộc, Nhà Truyền thống chiến khu An Phú Đông nằm ngay bên quốc lộ 1 với những hình ảnh, tư liệu phong phú, sống động nhắc du khách nhớ về một thời hào hùng của thế hệ cha anh đi trước.
ở Khu di tích Trung ương Cục
Mênh mang hồ Dầu Tiếng
Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi lớn bậc nhất khu vực Đông Nam bộ nằm giáp ranh giữa các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho hàng triệu cư dân của khu vực, trong đó có TPHCM. Một phần căn cứ của chiến khu Dương Minh Châu (ra đời năm 1951) đã nằm dưới lòng hồ ngày nay. Phần trên bờ, khu di tích căn cứ Dương Minh Châu hàng trăm hécta với những rừng cây dầu, cây sao đặc chủng, cùng hố bom B52, hầm quân y được gìn giữ làm nơi thăm viếng của du khách và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ vào các dịp lễ, tết. Đến đây, du khách sẽ đi thuyền ngao du trên mặt hồ rộng lớn, được thưởng thức đặc sản ba ba, cá lăng, ngao, cùng trái cây miệt vườn như ổi, thanh long, bưởi thơm ngon.
Du khách có thể sắp xếp lộ trình để kết hợp thăm Bảo tàng thị xã Phước Long (Bình Phước) - nơi còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như sa bàn chiến dịch đường 14 - Phước Long, máy bay F105E - loại máy bay phi công Nguyễn Thành Trung đã dùng để ném bom dinh Độc Lập trước khi bay ra vùng giải phóng, siêu vận tải cơ C130 của Không lực Mỹ... Hoặc ghé viếng nghĩa trang liệt sĩ thị xã, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ ngã xuống trong chiến dịch đường 14 - Phước Long (trong đó nhiều liệt sĩ hy sinh trên đường phố thị xã trước khi quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Tỉnh trưởng vào trưa 6-1-1975.
Vào rừng chiến khu Đ
Theo sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến khu Đ từ An Phú Đông đã phát triển dần lên Vĩnh Lợi (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), đến Dương Minh Châu và mở rộng trải dài đến vườn quốc gia Cát Tiên bây giờ. Căn cứ Trung ương cục miền Nam (1961-1962) nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Ngay từ năm 1995, Đồng Nai đã bắt đầu đóng cửa rừng, chuyển rừng được quy hoạch rừng sản xuất trở lại rừng tự nhiên để bảo vệ, khoanh nuôi. Giờ đây, du khách đến thăm được biết thế nào là rừng lá rụng thường xanh đặc trưng với dây leo rậm rạp cùng những cây đặc hữu của vùng Đông Nam bộ như chò, dầu, sao, cao hàng chục thước, cây kơ nia sum suê 2 người ôm không hết. Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (được xếp hạng di tích quốc gia năm 2001) nằm sâu trong rừng tạo cho du khách cảm giác khám phá thích thú.
Theo Trạm trưởng Kiểm lâm Khu di tích Trung ương Cục Nguyễn Văn Trí, rừng quanh khu di tích có đến 1.500 loài cây, 1.800 loài thú và trong vài năm gần đây, bình quân mỗi năm khu di tích đón tiếp hơn 20.000 lượt khách. Để đến di tích Trung ương Cục, du khách có thể đi phà qua ngã 3 sông Đồng Nai với sông Bé để cảm nhận được phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của một vùng non nước Đông Nam bộ; đi thuyền trên hồ Trị An để thấy sự mênh mang của mặt hồ và nghe nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai kể những chiến tích giữ rừng của những người dân tộc bản địa Chơ Ro một lòng theo Đảng làm cách mạng và nay đang bền bỉ với công tác giữ rừng để làm nên khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới.