Rồng rắn xếp hàng, vàng bán nhỏ giọt

Sau 6 ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng miếng SJC trực tiếp cho Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) để bán cho người dân, tình trạng chen chân xếp hàng chờ mua vàng tiếp tục diễn ra.

Người dân xếp hàng chờ mua vàng tại Công ty SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM) ngày 10-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân xếp hàng chờ mua vàng tại Công ty SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM) ngày 10-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bán giới hạn 1-2 lượng

Ghi nhận tại trụ sở chính Công ty SJC (418-420 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM) lúc 7 giờ sáng 10-6, hàng dài người dân xếp hàng ra tận vỉa hè chờ lấy số thứ tự vào giao dịch. Lực lượng công an và bảo vệ phải túc trực thường xuyên để đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ, công ty thông báo tạm ngưng nhận giao dịch vì lượng khách quá tải. Vậy nhưng, nhiều người vẫn kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ, hy vọng đến lượt lấy phiếu vào giao dịch buổi chiều, dù Công ty SJC chỉ cho phép được mua 1 lượng/ngày.

Tương tự, tại các chi nhánh ngân hàng BIDV, Agribank (quận 1, TPHCM), người dân cũng xếp hàng chờ đợi từ sớm để lấy số thứ tự vào mua vàng. Một số chi nhánh chỉ thực hiện giao dịch buổi chiều, vì buổi sáng ngân hàng phải làm thủ tục mua vàng từ NHNN, sau đó chuyển về kho, mới thực hiện bán cho dân, và giới hạn bán cho mỗi người 2 lượng vàng SJC.

Ghi nhận sáng 10-6 tại Hà Nội, tình trạng người dân xếp hàng chờ mua vàng tại các điểm giao dịch của Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Công ty SJC vẫn diễn ra. Tính đến 14 giờ 30 cùng ngày, giá vàng SJC tại Hà Nội được các ngân hàng niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so với phiên trước đó. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục giảm. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn là 73,38 - 74,68 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 140.000 đồng/lượng so với ngày 9-6; Công ty SJC niêm yết là 72,6 - 74,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); Tập đoàn Doji niêm yết 73,45 - 74,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Theo quy định, người dân đến mua vàng tại các ngân hàng nói trên phải mang theo CCCD hoặc giấy tờ tùy thân khác, sau đó phải điền các thông tin như: nghề nghiệp, chức vụ, địa chỉ thường trú; có thể thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt.

Nguy cơ đầu cơ vàng

Trước biến động phức tạp của thị trường vàng vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo để bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cần có giải pháp thực sự căn cơ đối với quản lý thị trường vàng.

K5d.jpg
Người dân mua vàng tại chi nhánh một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo ông Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc NHNN đã bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC là giải pháp tình thế để làm dịu thị trường mà chưa phải là giải pháp căn cơ, lâu dài để ổn định thị trường này. Vàng không phải là hàng hóa trong danh mục bình ổn giá, khi vàng rẻ thì dân mua càng nhiều, điều này không có lợi cho nền kinh tế. Trữ vàng ngoài tích sản còn ẩn chứa nguy cơ đầu cơ vàng. Từ lúc giá vàng “nhảy múa”, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương sửa Nghị định 24 (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng), nhưng cho đến nay vẫn chưa sửa. Chính phủ cần quyết liệt ngăn chặn việc buôn lậu vàng; kiểm tra việc các doanh nghiệp không được bán vàng miếng nhưng vẫn bán, vì có thể là bán vàng lậu.

Cho rằng quản lý thị trường vàng là vấn đề khó và phức tạp, ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhìn nhận, thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã can thiệp với những chính sách đúng mực. NHNN đủ khả năng bán vàng ra để ổn định giá vàng như mong muốn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá vàng quốc tế. “Tôi cho rằng, cần minh bạch hóa thị trường vàng, mua bán vàng phải có hóa đơn, chứng từ để bảo vệ người mua.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu. Đối với vàng SJC, NHNN tiếp tục độc quyền thêm một thời gian để đảm bảo thành quả chống đô la hóa trong hơn 10 năm qua và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, mục tiêu của Việt Nam không phải là kéo giảm giá vàng, mà là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Cũng theo ông Ngân, dù nguồn vốn trong dân còn lớn, tuy nhiên để người dân tin tưởng gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, chính sách lãi suất cần hài hòa, hợp lý, vừa đảm bảo lãi suất tiền gửi cho người gửi tiền, vừa lưu ý đến lãi suất cho vay. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương cũng tăng phát hành trái phiếu để huy động vốn của dân, phục vụ đầu tư phát triển. Thị trường tài chính cũng cần phát triển ổn định để người dân có nhiều cơ hội đầu tư hơn.

Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia kinh tế khuyến cáo người dân hết sức thận trọng đối với các giao dịch mua - bán vàng trong thời điểm này, khi mà thị trường vàng thế giới lẫn trong nước đang có những biến động khó lường.

Tin cùng chuyên mục