Mặc dù những cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ những nơi khác nhau trên thế giới, nhưng tác động của chúng đã mang tính toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được các tổ chức quốc tế dự đoán sẽ giảm xuống còn 3,2% và 2,7% vào năm 2023, (năm 2021 là 6%).
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều tổ chức hàng đầu khác, nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2023 đang gia tăng khi các ngân hàng trung ương đồng loạt thực hiện các biện pháp tăng lãi suất để chống lạm phát…
Trong bối cảnh đó, chủ đề của APEC năm nay là “Rộng mở, kết nối và cân bằng”; các mục tiêu chính của hội nghị bao gồm: mở ra cơ hội mới trong thương mại và đầu tư cho toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường kết nối các quốc gia và nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực; cũng như đóng góp vào sự cân bằng trong các khía cạnh khác nhau để hoàn thành các mục tiêu chung về phát triển bền vững.
Kinh tế carbon thấp sẽ là tâm điểm chú ý trong sự kiện này, cùng với đó là việc hiện thực hóa các đổi mới sáng tạo một cách tự do, công bằng và tăng cường quan hệ nội bộ khu vực. Một trong những ý tưởng chính là trao quyền tự chủ lớn hơn cho các bên tham gia kinh tế khi đối mặt với những phức tạp trong quan hệ giữa các quốc gia.
Xét về thực tế, APEC cũng đang đứng trước các thách thức. Năm 1989, APEC gần như là diễn đàn đa phương duy nhất về kinh tế. Nhưng tới nay, các chức năng và mục tiêu tương tự như APEC cũng được nêu trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ. Các Mục tiêu Bogor năm 1994 vẫn chưa được hoàn thành trong khi các khu vực thương mại tự do song phương và đa phương tỏ ra hứa hẹn hơn. Các vấn đề chính trị và an ninh cũng không được chú trọng trong APEC, bởi trọng tâm của diễn đàn này vốn là kinh tế.
Hội nghị cấp cao APEC 2020 tại Malaysia đã thông qua một tài liệu chính sách mới là Tầm nhìn Putrajaya 2040, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng kinh tế gồm thương mại và đầu tư, đổi mới và số hóa, cũng như tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.
Năm 2021, New Zealand đã phê chuẩn Kế hoạch hành động Aotearoa để thực hiện Tầm nhìn Putrajaya. Phục hồi kinh tế sau đại dịch, tự do hóa hơn nữa các hoạt động thương mại và đầu tư, kết nối khu vực mạnh mẽ hơn, đảm bảo sự di chuyển an toàn cho các cá nhân, phát triển nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn sinh học, kiểm soát biến đổi khí hậu là một số ưu tiên chính của APEC trong và sau năm 2022.
Sự kiện năm nay đánh dấu lần đầu tiên APEC đặt ra mục tiêu toàn diện cho các vấn đề môi trường và khí hậu. Cụ thể, các quan chức cấp cao đã kết thúc các phiên thảo luận với việc đưa ra dự thảo “Các mục tiêu Bangkok” đối với mô hình thúc đẩy Kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG), một chiến lược tăng trưởng hậu đại dịch Covid-19 để xây dựng một hành tinh bền vững của nước chủ nhà APEC 2022 Thái Lan.
Ông Koh King Kee - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu châu Á toàn diện mới tại Malaysia, từng nhận định: “Các nền tảng đa phương, bao gồm cả APEC, là những cơ chế quan trọng có thể góp phần định hình lại trật tự toàn cầu thành một trật tự bình đẳng, công bằng và quy củ hơn, đồng thời thúc đẩy các quy tắc và chuẩn mực quốc tế phù hợp với những thay đổi theo thời gian và bằng cách chấp nhận các giá trị đa văn hóa”.
Vì vậy, hoàn toàn có thể tin vào các dự đoán kết quả khả quan khi các nhà lãnh đạo các nền kinh tế tham gia APEC đã tập trung thúc đẩy phục hồi, phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, chuyển đổi số và giảm thiểu biến đổi khí hậu để đảm bảo ổn định tài chính và an ninh lương thực toàn cầu.