Năm 2007 khép lại với ấn tượng về thị trường ô tô Việt Nam đã tăng trưởng ngoài mong đợi. Lượng xe sản xuất trong nước của VAMA bán ra trong tháng 11-2007 lên đến đỉnh điểm với hơn 10.000 chiếc. Từ con số khả quan này, nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam tiếp tục rộng đường trong năm 2008. Còn việc giảm giá hay không, chưa thể dự báo.
- Tất cả đều vui
Chỉ bị trầm lắng trong quý đầu năm 2007, sau đó lượng ô tô nội địa bán ra đã tăng dần theo từng tháng và càng gần về cuối năm, gần Tết Nguyên đán 2008, thị trường ô tô càng sốt. Trong suốt khoảng nửa năm qua, hai mẫu Innova và Captiva luôn đứng đầu trong danh sách khách hàng phải xếp hàng, từ vài ba tháng trở lên.
Trên thực tế, Toyota còn một số mẫu khách hàng cũng phải chờ khá lâu. Nhu cầu bùng phát khá bất ngờ đã cứu vớt các nhà sản xuất trong VAMA khi họ sắp phải nghĩ đến các phương án để tồn tại (giảm giá, chuyển ngạch…) dạo đầu năm. Thống kê không chính thức, các hãng xe thuộc VAMA đến cuối năm 2007 còn “nợ” đơn đặt hàng nhiều hơn quý 2 và 3 của năm - hơn 10.000 xe. Với số “nợ” này, nhiều hãng đang khá thảnh thơi cho đến ít nhất là quý 1-2008 mà không cần phải bàn bạc đến chuyện giảm giá.
Cái ngưỡng 10.000 xe bán ra trong 1 tháng lâu nay chỉ là mong ước chứ chưa bao giờ phá vỡ được đã bị vượt qua trong tháng 11-2007. Đơn cử như Ford Việt Nam, tháng 11 đã đạt kỷ lục về số lượng bán hàng cao nhất trong 3 năm trở lại đây với 902 chiếc. Chính từ cột mốc này, một số chuyên gia cho rằng có thể các nhà sản xuất phải tính tới việc tăng tỷ lệ nội địa hóa nhanh hơn để đáp ứng dung lượng thị trường tăng mạnh trong tương lai.
Trong sự tăng trưởng mạnh của thị trường ô tô năm 2007 có sự góp phần ngày càng quan trọng của ô tô nhập khẩu. Nhờ ba đợt giảm thuế đưa mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc xuống còn 60% đã kích thích luồng xe ngoại vào Việt Nam ngày càng nhiều, tạo cơ hội ăn nên làm ra cho các nhà nhập khẩu như Euro Auto, Hyundai và một số nhà nhập khẩu xe cũ và xe mới nhỏ khác. Ô tô cũ qua hai lần giảm thuế nhập khẩu cũng đã mở rộng đường hơn cho các dòng xe có dung tích nhỏ giá mềm hơn vào Việt Nam đáp ứng lớp người tiêu dùng có khả năng tài chính vừa phải.
- Mừng, nhưng lo...
Trong lúc thị trường ô tô đang hưng phấn với niềm vui tăng trưởng cho cả các dòng xe nội và ngoại thì có những thông tin mới được dự báo là sẽ có tác động đến thị trường. Mới đây, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công thương rà soát lại các cơ chế, chính sách thuế nhập khẩu đối với ô tô, xe máy nhằm có những sửa đổi, bổ sung các phương án nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra nghiêm trọng tại các thành phố lớn Hà Nội và TPHCM.
Thông tin này khiến các nhà nhập khẩu ô tô băn khoăn khi họ mới chỉ được hưởng lợi từ việc hạ mạnh mức thuế này trong vài tháng qua. Trong khi đó, sự xem xét lại thuế nhập khẩu ô tô nếu được điều chỉnh tăng trở lại thì sẽ tiếp tục giúp cho xe nội đứng ở thế thượng phong, giá xe sẽ khó lòng được xem xét giảm. Dù liên Bộ Tài chính - Công thương chưa đưa ra những thông tin cụ thể, nhưng thị trường ô tô đang sốt khan nhiều dòng xe sẽ còn sốt cao hơn nếu thuế nhập khẩu ô tô bị tăng trở lại.
Theo ông Trương Kim Phong - GĐ Marketing của Ford Việt Nam, việc hạn chế phương tiện giao thông chỉ là giải pháp ngắn hạn để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Đơn cử như Thái Lan cả chục năm về trước, tình trạng ùn tắc nặng nề, nhưng công nghiệp ô tô vẫn được khuyến khích phát triển. Chính công nghiệp ô tô đã tạo sức ép để nâng cấp và mở rộng hạ tầng giao thông. Ngày nay, tình trạng ùn tắc giao thông tại Thái Lan đã giảm rất nhiều. Ông Trần Quốc Toản - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn, cho rằng, giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đưa ra phải hài hòa từ quyền lợi đến nhiệm vụ của nhiều phía thì mới tạo ra sự phát triển bền vững.
Thực ra dư luận vẫn thiên về giải pháp đánh thuế lên việc sử dụng ô tô như nhiều nước trên thế giới đã và đang tiến hành như từ phí đậu xe, phí môi trường, phí đường bộ, lệ phí trước bạ cao hơn… Phương án nào khi đưa ra cũng khó tìm được sự đồng thuận 100%, tuy nhiên có những giải pháp đã được thực thi trên thế giới và cho thấy có hiệu quả thì có thể áp dụng tại VN.
THỤY LÂM