Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản vừa qua, đã diễn ra lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”; ký kết ghi nhớ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Viện Công nghệ Quốc gia KOSEN Nhật Bản về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam. Đây là khung khổ pháp lý quan trọng để rộng mở cơ hội cho lao động và du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản học tập và làm việc.
Quốc hội Nhật Bản đã thông qua chính sách mới mở rộng cửa chào đón lao động nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản, có hiệu lực từ 1-4-2019. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tiếp nhận tối đa 345.500 người vào làm việc trong 14 ngành nghề. Đây sẽ là cơ hội tốt cho lao động Việt Nam muốn tìm kiếm các công việc kỹ thuật cao, mức lương hợp lý, tiếp cận với công nghiệp hiện đại...
Do tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, Nhật Bản đang gặp tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, còn chất lượng lao động của Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhất là về trình độ chuyên môn, tiếng Nhật, năng lực, kỹ năng nghề và ý thức kỷ luật. Vì vậy, số lượng được tiếp nhận vào Nhật Bản tăng rất nhanh. Nhật Bản sẵn sàng dành cơ hội cho những lao động phổ thông và nhiều vị trí làm việc cho những lao động trí thức Việt Nam thông qua những con đường như tu nghiệp sinh, du học hay xuất khẩu lao động. Theo số liệu thống kê gần đây, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản là gần 150.000 người, trong đó thực tập sinh theo chương trình thực tập kỹ năng chiếm phần lớn, với 131.000 người - dẫn đầu 15 nước đưa thực tập sinh sang làm việc tại nước này. Đặc biệt, tháng 2-2018, đoàn hộ lý đầu tiên của Việt Nam đã dự thi và đạt tỷ lệ đỗ 93,7% - cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ bình quân của hộ lý người Nhật Bản (trên 70%).
So với các thị trường lao động khác, cuộc sống, điều kiện làm việc của tu nghiệp sinh ở Nhật Bản tương đối tốt, ổn định với mức lương khá hấp dẫn. Doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam bởi ý thức kỷ luật, cần cù chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn, có tinh thần hợp tác. Tuy nhiên, dù cơ hội mở rộng như vậy, nhưng cần thấy rõ một điều, Nhật Bản sẽ không tiếp nhận lao động từ những quốc gia không thực hiện đầy đủ trách nhiệm nhận trở lại người bị trục xuất. Đồng thời, Nhật Bản sẽ thận trọng xem xét visa cho công dân các quốc gia hiện có nhiều người cư trú bất hợp pháp, tội phạm, phá hợp đồng lao động tại Nhật Bản. Những quốc gia có việc tuyển dụng không minh bạch, có nhiều công ty môi giới bất hợp pháp, giả mạo giấy tờ sẽ nằm trong danh sách những nước hạn chế cấp visa loại này. Do đó, chúng ta sẽ phải có những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn các hiện tượng có thể ảnh hưởng tới uy tín của người lao động Việt Nam.