Trường tư tuyển hơn 29.000 chỉ tiêu
Năm học 2023-2024, các trường dân lập, tư thục có tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là 30.394 học sinh, tăng 500 chỉ tiêu so với năm học trước. Hiện nay, mạng lưới trường THPT dân lập, tư thục đã phủ kín 19/22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó, quận Tân Phú dẫn đầu số lượng trường tư thục trú đóng trên địa bàn, với 15 đơn vị. Ngược lại, các quận 4, 8 và huyện Cần Giờ chưa có trường tư thục ở bậc THPT. Năm nay, “đường đua” tuyển sinh lớp 10 có thêm 2 đơn vị tham gia, nâng tổng số trường dân lập, tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, trường quốc tế tuyển sinh lớp 10 lên 90 đơn vị.
Năm học 2023-2024, nhiều trường dân lập, tư thục đã thông báo tăng học phí từ 5%-10% so với năm học trước. Đại diện một trường THPT tư thục ở quận Tân Bình cho biết, tăng học phí là việc bắt buộc trong bối cảnh giá thuê mặt bằng rục rịch tăng trở lại, cơ sở vật chất cần thay mới sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, ở địa bàn đông dân nhập cư, một số trường giảm học phí để thu hút thêm nguồn tuyển, như Trường THCS-THPT Phan Châu Trinh (quận Bình Tân), THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình)… Riêng tại Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp), Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thuyên cho biết, năm học 2023-2024, chỉ tiêu tuyển sinh và học phí của trường không thay đổi so với năm học trước. Theo đó, học phí đối với học sinh học 2 buổi/ngày là 1.400.000 đồng/học sinh/tháng và học phí 1 buổi/ngày là 850.000 đồng/học sinh/tháng. Nhà trường miễn 100% học phí đối với học sinh có học lực xuất sắc, giảm 10% học phí đối với học sinh có anh, chị, em học cùng trường để tăng tính cạnh tranh và thu hút thêm người học.
Học nghề song song học văn hóa
Năm học 2023-2024, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) tuyển sinh 450 học sinh đã tốt nghiệp THCS và có tham gia tuyển sinh lớp 10. Trường hợp học sinh không tham gia tuyển sinh lớp 10 thì phải có học lực năm lớp 9 từ loại trung bình và hạnh kiểm từ khá trở lên. Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, ngoài chương trình học văn hóa, học sinh được lựa chọn học miễn phí một trong các nghề, gồm: hướng dẫn du lịch, chăm sóc sắc đẹp và tạo mẫu, chế biến thực phẩm, điều dưỡng, kế toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, logistics. Nhờ tích hợp hai chương trình học nghề và văn hóa nên nhiều năm trở lại đây, loại hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ngày càng thu hút người học. Năm học 2023-2024, toàn thành phố có 28 trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển sinh lớp 10 với tổng chỉ tiêu hơn 11.000 học viên. Ngoài ra, các trường cao đẳng nghề và trung cấp cũng dành hơn 9.500 chỉ tiêu tuyển sinh học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, TPHCM đang thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học lớp 10 tại các trường THPT công lập, 30% còn lại rẽ hướng vào các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng nghề. Năm học 2022-2023, TPHCM có khoảng 109.600 học sinh tốt nghiệp lớp 9, tuy nhiên chỉ có hơn 96.000 em nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10. Như vậy, đã có hơn 13.000 học sinh chủ động không thi vào lớp 10 mà rẽ qua các hướng lựa chọn khác phù hợp hơn với năng lực và định hướng nghề nghiệp của bản thân như học nghề, hệ giáo dục thường xuyên. Nếu gộp chung trước và sau kỳ thi tuyển sinh, hơn 30.000 học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 không tiếp tục học lớp 10 công lập, góp phần nâng cao hiệu quả phân luồng và hướng nghiệp học sinh.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 diễn ra trong hai ngày 6-6 và 7-6. UBND TPHCM yêu cầu các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài không tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu được giao. Thời gian tuyển sinh kéo dài từ ngày 3-7 đến ngày 25-8, báo cáo danh sách học sinh trúng tuyển lớp 10 về Sở GD-ĐT TPHCM trước ngày 31-8.