Nhiều khoảng trống cần được lấp đầy
Một trong những khoảng trống lớn nhất được chỉ ra là dù Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, nhưng di sản tư liệu chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính chỉ ra, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa đề cập đến khái niệm, thuật ngữ di sản đô thị hoặc di sản kiến trúc nông thôn. Trên thực tế, các quỹ kiến trúc đô thị và nông thôn luôn rơi vào tình thế mâu thuẫn đối kháng, thách thức mà không thể giải quyết. Đó là mâu thuẫn giữa đòi hỏi bảo tồn và nhu cầu sử dụng, phát triển.
GS-TS Hoàng Đạo Kính cho rằng, công cụ quản lý bảo tồn di sản đô thị, nông thôn là những bản quy hoạch chi tiết về cải tạo khu di sản, quy chế, quy định đối với các công trình, di tích, đường phố cần được bảo tồn ở cấp độ khác nhau. Lấy ví dụ từ trường hợp của phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, những địa chỉ luôn đứng trước mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn với phát triển. Do vậy, hành lang pháp lý cần bổ sung các giải pháp hài hòa.
Góp ý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cũng chỉ ra Luật Di sản văn hóa đã bỏ sót các di sản thiên nhiên là danh lam, thắng cảnh - biểu tượng tinh thần của quốc gia, dân tộc hay cộng đồng, địa phương, vượt lên ý nghĩa giá trị mang tính tự nhiên mà hàm chứa giá trị văn hóa. Ví dụ như nàng Tô Thị, núi Ngũ Hành Sơn, núi Ba Vì, sông Hương, núi Ngự, khu rừng thiêng của một cộng đồng tộc người...
Nhiều góp ý cũng chỉ ra Luật Di sản văn hóa chưa quy định quyền sở hữu tập thể về di sản văn hóa. Trong đó đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể như: dân ca, dân nhạc, biểu tượng... là tài sản của một cộng đồng hoặc một tộc người, đang được các tổ chức, cá nhân, khai thác sử dụng vì mục đích thương mại, nhưng họ không phải thực hiện trách nhiệm bù đắp lại cho cộng đồng sở hữu di sản đó. Từ đó, làm hạn chế công việc bảo tồn di sản trong cộng đồng. Hay những quy định về việc tư nhân sở hữu di tích cũng đang là vấn đề vướng mắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Do đó cần phải cụ thể hơn trong việc quy định về quyền lợi và trách nhiệm đối với cá nhân sở hữu tư nhân về di tích.
Thu hút nguồn lực
Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Đình Trung nêu một thực tế, công tác tu bổ di tích thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về di sản, pháp luật về xây dựng và văn bản liên quan khác.
Theo đó, trình tự, thủ tục bước thẩm định, phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án đều không có quy định riêng về tu bổ di tích với nguồn vốn xã hội hóa. Giám đốc Sở VH-TT Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị có những quy định riêng đối với việc tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích từ nguồn xã hội hóa, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn di tích theo quy định chung nhưng vẫn có chính sách thúc đẩy, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội đầu tư nhanh chóng, thuận lợi.
Đại diện Sở VH-TT tỉnh Quảng Nam cho rằng các thủ tục liên quan đến việc tu bổ tháp Chăm nhiều khó khăn do không có trong định mức xây dựng ban hành. Do đó, việc lập thủ tục để phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán rất khó và tốn nhiều thời gian. Trong nhiều trường hợp, do thời gian kéo dài đã ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án.
Riêng với di sản thế giới Đô thị cổ Hội An vốn được cấu thành từ hơn 1.300 di tích là nhà ở, nhà thờ đơn lẻ, thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể, nơi người dân vẫn đang sinh sống và các di tích - nhà ở, nhà thờ này phần lớn đã xuống cấp nên có nhu cầu tu bổ, sửa chữa. Vì vậy, cần có quy định tháo gỡ, bởi theo quy định cũ, việc thẩm định hồ sơ tu bổ di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt mất nhiều thời gian, phải lấy ý kiến nhiều cấp ngành, kể cả tu bổ ở quy mô nhỏ.
Cũng có nhiều ý kiến chỉ ra các thủ tục hiện hành chưa cụ thể, chưa có tính khuyến khích và tôn vinh sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức vào công tác tu bổ, gìn giữ di sản cũng như khích lệ, tôn vinh việc tham gia tìm kiếm, đấu giá, mua cổ vật, đưa cổ vật hồi hương…
Ghi nhận ý kiến tâm huyết của các đại biểu và địa phương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để bộ có thể hoàn thiện hồ sơ, đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.