Giống như các tập sách trước, cuốn sách tiếp tục cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về từ nguyên, cũng như về ngôn ngữ. Chẳng hạn, về nghĩa gốc, chữ “kiện” tuyệt đối chẳng có liên quan gì đến việc tố tụng, giống như đang được dùng phổ biến trong kiện tụng hay kiện cáo.
Theo học giả An Chi, có sự “gá nghĩa” như vậy là do sự lây nghĩa. Ông giải thích: Trong từ tổ “án kiện” thì “án” mới là từ chỉ việc tố tụng, còn trong từ tổ “kiện tụng” thì từ chỉ việc tố tụng dĩ nhiên chính là “tụng”, còn hai từ “kiện” kia thì hoàn toàn vô can. “Nhưng do từ nguyên dân gian, nghĩa là do cách hiểu theo cảm tính vì không biết được cái nghĩa đích xác của từ đang xét, nên người sử dụng tiếng Việt mới gán cho từ “kiện” trong án kiện cái nghĩa của từ “án” và “kiện” trong kiện tụng cái nghĩa của từ “tụng”. Hành động “gá nghĩa” này chính là hệ quả của sự lây nghĩa”, ông lý giải.
Hay như từ “lừa lọc” được dùng phổ biến hiện nay, nhằm để chỉ hành vi “lừa người bằng mánh khóe xảo trá”, giống như cách định nghĩa của Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên. Tuy nhiên, trong cuốn từ điển cùng tên do Văn Tân chủ biên, lại giảng là “chọn lọc và xếp đặt”. Theo học giả An Chi, cả hai lý giải đều đúng và đều thiếu. Từ điển do Hoàng Phê chủ biên thiếu nghĩa đen, còn từ điển cho Văn Tân chủ biên lại thiếu nghĩa hiện hành. Sở dĩ từ nghĩa gốc là “chọn lọc và xếp đặt” mà “lừa lọc” lại chuyển nghĩa thành “lừa người bằng mánh khóe xảo trá”, theo học giả An Chi, là do sự lây nghĩa.
Thú vị không kém là khi học giả An Chi giảng nghĩa của từ “o” trong một truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài có tên là O chuột. Ở một số tỉnh miền Trung, o có nghĩa là cô, và như vậy, không ít người đã hiểu rằng o trong O chuột nghĩa là “cô chuột”. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Theo học giả An Chi, o trong O chuột là một vị từ. Khi truyện ngắn O chuột của nhà văn Tô Hoài ra đời (1942) thì vị từ “o” đã không còn thông dụng trong phương ngữ miền Bắc, mặc dù nó có thể còn được dùng ở làng Nghĩa Đô, quê ngoại của ông, hoặc cục bộ ở một số địa phương khác nữa. Nhưng trong Nam thì nó vẫn thông dụng, đặc biệt là trong vị ngữ “o mèo”.
Có độ dày hơn 470 trang, các bài viết trong Rong chơi miền chữ nghĩa tập 5 đa phần được in rải rác trên một số tờ báo, tuy nhiên, khi được tập hợp trong một tuyển tập lại có ý nghĩa như một “từ điển” ngôn ngữ, giúp bạn đọc, nhất là những ai đang làm việc hoặc quan tâm đến ngôn ngữ, tiện bề tra cứu.